tăng trưởng kinh tế

Mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế

Có một lượng lớn tài liệu phân tích mối liên kết hai chiều giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Liệu FDI là một yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, vẫn còn được tranh luận giữa các nhà kinh tế. Trên thực tế, vai trò của FDI trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được nhìn nhận từ các lý thuyết tăng trưởng kinh tế khác nhau. Lý thuyết tân cổ điển (neoclassical theory) về tăng trưởng kinh tế tìm cách đưa ra lời giải thích về hệ quả cũng như nguyên nhân của sự hiện diện của FDI ở các quốc gia đang phát triển.

Trong các lý thuyết tân cổ điển, dòng vốn FDI là một giải pháp để lấp đầy lỗ hổng tiết kiệm–đầu tư, chênh lệch tỷ giá hối đoái và lỗ hổng tài khóa ở các quốc gia đang phát triển. Rostow (1956, 1971) phát triển mô hình tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn nhằm giải thích sự hiện diện của dòng vốn FDI trong quá trình chuyển đổi kinh tế ở các quốc gia đang phát triển. Trong mô hình, dòng vốn FDI vào các quốc gia đang phát triển được xem là cách giúp đáp ứng các yêu cầu về vốn cũng như chuyển giao các công nghệ mới trong các nền kinh tế chuyển đổi. Solow (1956) phát triển mô hình tăng trưởng tân cổ điển mới, và cho thấy kết quả tăng trưởng sản lượng từ các yếu tố như tăng chất lượng và số lượng lao động thông qua tăng trưởng dân số và giáo dục, tăng vốn thông qua vốn nước ngoài và tiến bộ trong công nghệ.

Ngược lại, trong các lý thuyết tăng trưởng nội sinh (endogenous growth theory), tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế được giải thích thông qua các ngoại tác tri thức (knowledge externality) và sự tồn tại của nguồn nhân lực ở các quốc gia tiếp nhận đang phát triển. Để giải thích vai trò của FDI lên tăng trưởng dài hạn của các nước tiếp nhận, Lucas (1988, 1990), Romer (1986, 1987) và Mankiw và cộng sự (1992) sửa đổi mô hình tăng trưởng tân cổ điển, đặc biệt là mô hình tăng trưởng Solow, bằng cách đưa vào các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng gồm nguồn nhân lực cũng như vốn vật chất để giải thích sự hiện diện của FDI ở các quốc gia đang phát triển.

Download Luận văn thạc sĩ ngành Tài chính – Ngân hàng (Hướng ứng dụng): Mối quan hệ giữa FDI, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế: nghiên cứu thực nghiệm tại việt nam giai đoạn 1986 – 2018 (ThS02.166)

Balasubramanyam và cộng sự (1996) chỉ ra nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng được xác định bởi lý thuyết tăng trưởng mới có thể được khởi xướng và củng cố nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua FDI. Trong nghiên cứu của mình, các tác giả thấy rằng FDI là công cụ chính để thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc học qua hành (learning by doing) và lan tỏa kiến thức. Blomstrom và Kokko (1998) lập luận rằng các tập đoàn đa quốc gia (MNC) mang các công nghệ hiện đại vào các nước tiếp nước nhằm cạnh tranh thành công với các MNC và doanh nghiệp địa phương khác. Điều này buộc các công ty địa phương phải tìm kiếm, cũng như mô phỏng các công nghệ mới và hiệu quả hơn. Vai trò của FDI trong việc thúc đẩy nguồn nhân lực ở các quốc gia đang phát triển được hiểu rõ hơn trong lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Theo lý thuyết này, FDI đóng góp đáng kể vào vốn nhân lực như kỹ năng quản lý và nghiên cứu và phát triển (R&D).

Các MNC có thể có tác động tích cực đến nguồn nhân lực ở các nước tiếp nhận thông qua các khóa đào tạo cho các công ty con (chi nhánh). Các khóa đào tạo ảnh hưởng đến hầu hết các cấp độ nhân viên từ những người có kỹ năng đơn giản đến những người sở hữu kỹ năng quản lý và kỹ thuật tiên tiến. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển được tài trợ bởi các MNC cũng đóng góp vào vốn nhân lực ở các nước tiếp nhận, và do đó, cho phép các nền kinh tế này phát triển lâu dài (Balasubramanyam và cộng sự, 1996; Blomstrom và Kokko, 1998). Mặt khác, lý thuyết chiết trung của FDI (eclectic theory), được phát triển bởi Dunning (1979, 1980, 1985, 1988 và 1993), cung cấp công cụ thay thế để phân tích mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Dựa trên lợi thế về vị trí, nhiều nghiên cứu thực nghiệm phát hiện rằng tăng trưởng kinh tế là yếu tố quyết định quan trọng của FDI. Chakrabarti (2001), Asiedu (2002) và Zhao (2003) chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế cao hơn dẫn đến dòng vốn FDI lớn hơn vì đây là thước đo sức hấp dẫn của các nước tiếp nhận. Moore (1993), Lucas (1993), và Cernat và Vranceanu (2002) lập luận rằng khi tăng trưởng kinh tế tăng lên, dòng vốn FDI vào nước tiếp nhận có xu hướng được khuyến khích.

Mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *