noi-dung-hieu-qua-kinh-doanh-cua-ngan-hang-thuong-mai

Nội dung hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại

Mối quan hệ giữa hiệu quả kinh doanh của ngân hàng và phi phí của ngân hàng được thể hiện trên các khía cạnh trong quá trình hoạt động của NHTM, như: khả năng sinh lời; và an toàn tài chính.

1. Khả năng sinh lời

Nếu đứng trên quan điểm tài chính, ngân hàng thương mại trước tiên là một doanh nghiệp, giống các doanh nghiệp khác mục đích mà họ theo đuổi trong quá trình huy động vốn và cung cấp vốn, cung cấp các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng cho khách hàng đó là tối đa hóa lợi nhuận. Tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu cơ bản của NHTM, có quyết định lớn đến sự phát triển trong tương lai. Thông thường, để tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp thực hiện tối đa hóa doanh thu và tối thiểu hóa chi phí. Nói cách khác, NHTM sẽ hướng tới mục đích đạt được các khoản thu nhập thuần dương (thu nhập bù đắp được các khoản chi phí đã bỏ ra) như: thu nhập hoạt động tín dụng và đầu tư thuần dương, thu nhập hoạt động phi tín dụng thuần dương.

NHTM là chủ thể hoạt động trên thị trường tiền tệ và tín dụng, từ đây để đạt được các khoản thu nhập thuần dương, NHTM cần phải hoạt động và sử dụng cơ cấu vốn linh hoạt theo hướng của thị trường tiền tệ. Thêm vào đó, hoạt động chủ yếu là qua tín dụng gắn liền với nguyên tắc hoàn trả đòi hỏi NHTM phải lựa chọn các khoản cấp tín dụng34

cũng như đầu tư đảm bảo an toàn, có khả năng hoàn trả cả gốc và lãi đúng thời hạn. Bên cạnh đó, việc gia tăng các khoản huy động từ nguồn vốn giá rẻ để mở rộng quy mô vốn huy động giúp NHTM giảm thiểu chi phí thấp nhất. NHTM cần đẩy mạnh đa dạng về loại hình dịch vụ cung cấp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gia tăng các khoản thu phí, đẩy mạnh thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng. Nói theo một cách khác, NHTM để tối đa hóa được lợi nhuận không chỉ tăng các khoản thu nhập mà còn phải tiết kiệm được các khoản chi phí liên quan.

Nếu đứng trên quan điểm hiệu quả phi tài chính, khả năng sinh lời thể hiện ở vấn đề quản trị giá trị khách hàng: mỗi khách hàng tạo ra bao nhiêu lợi nhuận cho ngân hàng. Và điều này làm cho ngân hàng sẽ đánh giá mỗi loại chi phí dành cho từng nhóm khách hàng, lợi nhuận mà khách hàng mang lại ra sao.

2. An toàn

Nếu nhìn trên góc độ chỉ tiêu tài chính, các hoạt động của NHTM thường gắn liền với rủi ro cao và đa dạng (rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro hối đoái và rủi ro môi trường,…) từ đây đòi hỏi yếu tố an toàn cần được ưu tiên trong quá trình hoạt động của NHTM. An toàn và khả năng sinh lời là hai mặt của hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Khả năng sinh lời cao thường sẽ đi kèm với an toàn thấp, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của NHTM. Do vậy, các NHTM không thể chỉ chú trọng đến khả năng sinh lời của mình, mà còn phải đề cao vấn đề về an toàn trong hoạt động.

An toàn của NHTM được phản ánh qua một số các khía cạnh, như:

Thứ nhất là an toàn tín dụng: Như đã đề cập trước đó, tín dụng là hoạt động kinh doanh truyền thống, cơ bản của NHTM, cũng là hoạt động đem lại nguồn thu nhập cao (ở một số ngân hàng có thể là cao nhất) cho NHTM. Hoạt động tín dụng của NHTM phụ thuộc rất lớn vào khả năng thanh khoản của NHTM cho khách hàng trong quá trình huy động vốn qua nhận tiền gửi của khách hàng, cũng như phụ thuộc vào mức thu hồi vốn cho vay của ngân hàng với khách hàng vay. Để đảm bảo được cả hai hoạt động huy động và sử dụng vốn qua tín dụng đạt hiệu quả, NHTM sử dụng vốn tự có giúp mình phòng ngừa những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình hoạt động của mình. Dự phòng rủi ro cũng cần được các NHTM trích lập định kỳ để đảm bảo cho yếu tố an toàn tín dụng của mình. Nhiều ngân hàng xây dựng các tuyến phòng thủ rủi ro (nhận diện và kiểm soát rủi ro từ đội ngũ bán hàng; xây dựng chính sách và kiểm soát rủi ro từ hội sở; kiểm soát rủi ro tại các cấp độ cao hơn) để ngăn ngừa, hạn chế và xử lý rủi ro tín dụng.

Thứ hai là an toàn về khả năng thanh khoản: Hệ thống các NHTM nói chung và từng NHTM nói riêng khi hoạt động trên lĩnh vực tín dụng và tiền tệ, tiền đề giúp họ hoạt động được đó là niềm tin của khách hàng vào khả năng thanh khoản của ngân hàng. Niềm tin này xuất phát từ việc ngân hàng đảm bảo khả năng hoàn trả được gốc và lãi đối với những khoản vốn tiền gửi. Có thể nói khả năng thanh khoản là yếu tố sống còn đối với NHTM. Từ đây, khi đánh giá hiệu quả kinh doanh của NHTM sẽ không thể thiếu được việc nghiên cứu về khả năng thanh khoản của NHTM đó trên thị trường.

Nếu nhìn ở góc độ phi tài chính, vấn đề an toàn của ngân hàng sẽ đánh giá ở việc ngân hàng mất bao nhiêu chi phí để đảm bảo khách hàng vẫn sử dụng dịch vụ, và trả đủ lãi, gốc, phí cho ngân hàng.

3. Trách nhiệm xã hội của NHTM

Nhìn trên góc độ trách nhiệm xã hội, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được thể hiện qua việc tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, nâng cao đời sống cho người lao động.

Tạo công ăn việc làm cho người lao động ở nhiều mức độ: Nước ta là nước đang phát triển, tình trạng kém về kỹ thuật và thất nghiệp vẫn còn phổ biến. Để tạo công ăn việc làm cho người lao động và để thoát khỏi đói nghèo lạc hậu đòi hỏi NHTM phải tự tìm tòi đưa ra các biện pháp nâng cao hiêu quả hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Nâng cao mức sống cho người dân: Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người dân đòi hỏi các NHTM làm ăn hiệu quả góp phần nâng cao mức sống cho người lao động. Nội dung này bao gồm các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cuộc sống của người dân ở các vùng xa xôi, hoàn cảnh khó khan.

Bên cạnh đó, trách nhiệm xã hội của NHTM còn thể hiện ở việc tham gia vào các chương trình, hoạt động xã hội vì cộng đồng liên quan đến giáo dục, y tế, môi trường.

Nguồn: Luận án Tài chính ngân hàng “Hiệu quả kinh doanh tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *