Các nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin

Các nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin

Các tác giả trên thế giới đã quan tâm nghiên cứu về mức độ công bố thông tin từ những năm 1960 theo 2 cách tiếp cận khác nhau. Cách thứ nhất tiếp cận chủ yếu dựa trên phiếu khảo sát gồm các câu hỏi xếp hạng mức độ quan trọng của các khoản mục kế toán trong việc quá trình ra quyết định của người sử dụng (Buzby, 1974[56] ; Firth, 1979[77]; Chandra, 1974[69]; Turkey, 1985[117]). Nhóm thứ hai nghiên cứu về mối quan hệ giữa mức độ CBTT và đặc điểm của doanh nghiệp, trong đó mức độ CBTT có thể được xây dựng dựa trên thông tin bắt buộc, thông tin tự nguyện. Các nghiên cứu ban đầu về mối liên hệ giữa CBTT và đặc điểm doanh nghiệp được thực hiện chủ yếu ở các nước phát triển như nghiên cứu của Firth, (1979)[77]; Lang và Lundholm, (1993)[96]; Cooke, (1989)[65], (1992)[66]; Wallace và Naser, (1995) [122]. Sau này, các tác giả cũng thực hiện nghiên cứu ở các nước đang phát triển như Ahmed và Nicholls (1994)[41]; Omar,B.F.A (2007)[103]; Leventis (2001) [98]; Lowe, (2014)[99]. Ngoài ra có tác giả còn áp dụng cách tiếp cận so sánh mức độ CBTT giữa hai hoặc nhiều quốc gia như Barrete (1977)[50]; Camfferman và Cooke (2002)[62].

Các nghiên cứu đều cho rằng lượng CBTT không cố định, không được xác định một cách chắc chắn. Các tác giả có thể sử dụng các thuật ngữ khác nhau để nói về biến phụ thuộc CBTT, Buzby (1974)[56] áp dụng thuật ngữ đầy đủ; Barrett, M.E (1977)[50]; Wallace và cộng sự (1994)[120] áp dụng thuật ngữ toàn diện; Patton và Zelenka (1997)[106] sử dụng thuật ngữ mức độ. Số lượng các yếu tố ảnh hưởng có thể khác nhau, đặc điểm doanh nghiệp ảnh hưởng đến CBTT cũng có sự khác nhau trong các nghiên cứu. Có thể chia các yếu tố ảnh hưởng thành các nhóm: (i) các11

biến liên quan đến cấu trúc doanh nghiệp; (ii) các biến liên quan đến thị trường; (iii) các biến liên quan đến hiệu suất…

Nghiên cứu của Ngô Thu Giang (2014)[5] đánh giá hoạt động CBTT trên 3 phương diện là tính thông tin, tính rõ ràng dễ hiểu và tính cập nhật của thông tin công bố. Tác giả đã đánh giá 5 nhóm yếu tố là đặc điểm ngành nghề, đặc điểm về sở hữu, đặc điểm về quản trị công ty, đặc điểm về kết quả kinh doanh, đặc điểm về niêm yết. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về mức độ CBTT do tác động của đặc điểm ngành nghề. Đặc điểm nguồn vốn chủ sở hữu hoàn toàn không tác động đến mức độ CBTT định kỳ nói chung. Tỷ trọng sở hữu nước ngoài có mối quan hệ cùng chiều với thông tin công bố tuân thủ theo quy định trong BCTN. ROA, ROE tác động trực tiếp và cùng chiều tới lượng thông tin công bố. DNNY có lịch sử niêm yết càng dài, tỷ lệ vốn hoá càng cao thì càng chú trọng vào số lượng và tính cập nhật của thông tin công bố bất thường và theo yêu cầu.

Nghiên cứu của Nguyễn Công Phương, Nguyễn Thị Thanh Phương (2014) [30] sử dụng 99 BCTC của DNNY trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ CBTT trong BCTC của DNNY không cao. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT bao gồm quy mô, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài, công ty kiểm toán, mức độ sinh lời và thời gian niêm yết. Một số các yếu tố khác có ý nghĩa trong các nghiên cứu trước đây trên thế giới như tỷ lệ sở hữu của nhà nước, đòn bẩy tài chính, quản trị công ty, số công ty con, lĩnh vực hoạt động, khả năng thanh toán, thị trường niêm yết và tính phức tạp của hoạt động kinh doanh lại không ảnh hưởng đến mức độ CBTT trong nghiên cứu này.

Nguyễn Hà My (2017)[24] nghiên cứu ảnh hưởng của hai nhóm yếu tố là đặc điểm doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp đến mức độ CBTT của các DNNY trên sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố quy mô doanh nghiệp; tính thanh khoản; lợi nhuận; tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và tỷ lệ thành viên không điều hành trong HĐQT tác động đến mức độ CBTT của doanh nghiệp. Trong nghiên cứu này, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin được công bố, thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Đặng Thị Bích Ngọc (2018)[25] khảo sát dữ liệu BCTC của 286 DNNY từ năm 2014 – 2016 để đo lường mức độ CBTT kế toán của các DNNY trên TTCK Việt Nam. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT kế toán được tác giả chia thành 3 nhóm là (1) Quản lý doanh nghiệp; (2) Cơ cấu sở hữu; (3) Đặc điểm của doanh nghiệp. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, tác giả đã xác định được các yếu tố quy mô doanh nghiệp, thời gian hoạt động, kiểm toán độc lập, kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT và giám đốc, tình trạng niêm yết, sở hữu nước ngoài là các yếu tố ảnh hưởng cùng chiều đến mức độ CBTT kế toán .

Nghiên cứu của Nguyễn Văn Liêm (2019)[20] sử dụng chỉ số đo lường mức độ công bố thông tin trong BCTC hợp nhất của 50 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Kết quả cho thấy mức độ CBTT của các doanh nghiệp này ở mức khá; có 5 yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT là quy mô thành viên hội đồng quản trị; kiêm tổng giám đốc; kiểm toán độc lập; quy mô doanh nghiệp và tỷ lệ sinh lời. Nghiên cứu không tìm thấy sự ảnh hưởng của các yếu tố sở hữu của cổ đông nước ngoài; sở hữu của cổ đông nhà nước; đòn bẩy tài chính và số công ty con.

Trương Đông Lộc, Nguyễn Xuân Thuận (2018)[19] thu thập thông tin từ BCTC, BCTN năm 2015 của 207 DNNY trên HOSE để đo lường ảnh hưởng của đặc điểm hội đồng quản trị (HĐQT) đến mức độ CBTT của các DNNY trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ CBTT bình quân của công ty là 73,1 điểm. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy số lượng thành viên của HĐQT và tỷ lệ nữ trong HĐQT, tổng giám đốc làm giảm mức độ CBTT của DNNY. Quy mô và tỷ suất lợi nhuận có mối tương quan thuận với mức độ CBTT của DNNY, trong khi đó các DNNY được kiểm toán bởi các một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất có mức độ CBTT cao hơn so với các DNNY còn lại.

Trần Thị Phương Thảo, Trần Quỳnh Anh (2020)[37] nghiên cứu thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố TTTC của 40 doanh nghiệp ngành thực phẩm – đồ uống niêm yết trên TTCK Việt Nam. Mức độ công bố TTTC đạt 78,85%. Kết quả kiểm định mô hình hồi quy chỉ ra được yếu tố sở hữu nhà nước; sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và quy mô doanh nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến mức độ công bố TTTC. Ngược lại các yếu tố khả năng thanh toán, chủ thể kiểm toán, và tỷ lệ nợ trên tổng tài sản thể hiện mối quan hệ ngược chiều.

Phan Thị Hải Hà và cộng sự (2019)[12] nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT trên BCTC của các doanh nghiệp công nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh. Sử dụng BCTC năm 2017 của 87 doanh nghiệp, nghiên cứu chỉ ra 6 yếu tố ảnh hưởng tích cực đến mức độ CBTT bao gồm: thời gian hoạt động, danh tiếng của công ty kiểm toán, khả năng thanh toán, đòn bẩy tài chính và khả năng sinh lời.

Xem thêm: Các nghiên cứu liên quan đến công bố thông tin

Nghiên cứu của Hồ Thị Thuỷ Tiên, Hoàng Mạnh Khánh (2019)[36] cho thấy các yếu tố tài chính bao gồm quy mô doanh nghiệp, hiệu suất sử dụng tài sản, công ty kiểm toán và yếu tố quản trị bao gồm sự kiệm nhiệm giữa chủ tịch Hội đồng quản trị và tổng giám đốc có ảnh hưởng đến mức độ minh bạch thông tin của các DNNY trên TTCK Việt Nam.

Nguyễn Thị Thu Hảo (2015)[15] thực hiện khảo sát 106 DNNY trên HOSE để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện. Kết quả phân tích chỉ ra có 3 yếu tố ảnh hưởng bao gồm quy mô, loại hình sở hữu có yếu tố nước ngoài và lợi nhuận.

Nghiên cứu của Phạm Hoài Hương, Trần Thuỳ Uyên (2018)[11] sử dụng mô hình hồi quy đa biến dựa trên dữ liệu thu thập của 100 DNNY trên TTCK Việt Nam để nhận diện các yếu tố thuộc đặc điểm quản trị công ty ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện trên BCTN. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các yếu tố: mức độ độc lập của HĐQT, tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT, tỷ lệ sở hữu quản lý và tỷ lệ sở hữu nước ngoài ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện của các DNNY.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Loan và cộng sự (2020)[23] sử dụng mô hình của Barako (2007) để phân tích định lượng dựa trên bộ dữ liệu BCTN của 122 DNNY trên sàn HOSE trong giai đoạn từ 2015 – 2017. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 yếu tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện là quy mô doanh nghiệp, thời gian niêm yết, khả năng sinh lời và quyền sở hữu tổ chức.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Huỳnh (2020)[17] sử dụng phương pháp OLS, FEM, REM để đánh giá mức độ ảnh hưởng của quản trị công ty, cấu trúc sở hữu đến công bố tự nguyện của các DNNY trên TTCK Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ CBTN trên TTCK Việt Nam đạt trung bình là 40,78% trong đó yếu tố sự kiêm nhiệm giữa vị trí CEO và chủ tịch HĐQT tác động tiêu cực đến mức độ công bố tự nguyện.

Nguồn: Luận án Kế toánCông bố thông tin tài chính trên báo cáo thường niên của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *