Vai trò của xuất khẩu thủy sản

Vai trò của xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu thủy sản có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia, đóng một phần rất quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP); là đòn bẩy của tăng trưởng kinh tế xã hội và trở thành mũi nhọn của nền kinh tế. Xuất khẩu thủy sản chiếm một tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu hàng hóa của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về lợi thế (lao động, vốn, công nghệ, điều kiện tự nhiên, chính sách của chính phủ) mà tỷ trọng ngành xuất khẩu thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các quốc gia khác nhau. Cụ thể:

1. Xuất khẩu hàng hóa góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế của một quốc gia

Hoạt động ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia và ảnh hưởng tích cực đến chỉ số tăng trưởng kinh tế. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã làm rõ mối quan hệ giữa xuất khẩu hàng hóa và tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra, khi hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các quốc gia tăng lên thì đồng nghĩa với các chỉ số liên quan đến tăng trưởng kinh tế cũng có sự cải thiện đáng kể như Thornton (1996), Feder (1982)… Mô hình của Grossman và Helpman (1991) cũng cho thấy, các quốc gia mở rộng hơn với thương mại thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó cũng nhanh hơn.

Xuất khẩu hàng hóa là một bộ phận cấu thành của GDP nên bất kỳ sự thay đổi nào của xuất khẩu hàng hóa cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi về quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP. Hơn nữa, xuất khẩu hàng hóa còn tác động đến các nhân tố đầu vào (vốn, lao động…) hoặc các nhân tố khác của tổng cầu (nhập khẩu hàng hóa, tiêu dùng và đầu tư).

Xuất khẩu hàng hóa có mối quan hệ chặt chẽ với sự tăng trưởng của nền kinh tế và thể hiện vai trò của mình thông qua sự đóng góp trong GDP.

Theo Keynes (1963): GDP = C + I + G + (X – M) Trong đó: GDP : Tổng sản phẩm quốc nội

C : Tiêu dùng của hộ gia đình

I : Đầu tư

G : Chi tiêu của chính phủ

X : Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa

M : Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa

Từ công thức tính GDP cho thấy, khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng và lớn hơn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, tức là hiệu số (X – M) càng lớn thì tổng sản phẩm trong nước sẽ càng tăng và ngược lại. Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lao động dồi dào thì mục tiêu chính mà Việt Nam hướng đến là nguồn thu từ xuất khẩu hàng hóa. Bởi vậy, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng sẽ làm cho kim ngạch xuất khẩu và GDP của cả nước càng lớn trong điều kiện các nhân tố khác được coi là không đổi. Đây được xem là năng lực cạnh tranh của một quốc gia trên thị trường thế giới.

2. Xuất khẩu thủy sản là một trong các nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước

Một trong những phương tiện tạo ra nguồn vốn phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chính là xuất khẩu hàng hóa. Muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải có đủ các nhân tố: nhân lực, nguồn vốn, tài nguyên và khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, không phải bất cứ quốc gia nào cũng có đủ các yếu tố đó đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Để có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có một nguồn vốn lớn để nhập khẩu thiết bị, máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển. Nguồn vốn lớn này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như: từ xuất khẩu hàng hóa; từ tích lũy trong nền kinh tế quốc dân; từ đầu tư nước ngoài và vay nợ, viện trợ… Như vậy, xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng đã tạo ra được nguồn thu ngoại tệ lớn góp phần vào quá trình hiện đại hóa nền kinh tế của đất nước, tạo ra năng lực sản xuất mới mạnh mẽ hơn từ đó tạo ra sự chủ động trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu thủy sản còn tạo ra nguồn dự trữ ngoại tệ quan trọng. Trong quan hệ mua bán trên thị trường thế giới hiện nay, các nước đều sử dụng ngoại tệ mạnh trong giao dịch để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Dự trữ ngoại tệ dồi dào còn là điều kiện cần thiết giúp cho quá trình ổn định nội tệ và chống lạm phát. Ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuấ khẩu thủy sản nói riêng là nguồn tăng dự trữ ngoại tệ chủ yếu.

3. Xuất khẩu thủy sản góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển

Ngày nay, cơ cấu sản xuất và tiêu dùng xã hội đã và đang thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Với từng quốc gia, con đường tất yếu khách quan chính là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế trên thế giới. Để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu thủy sản, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất ở mỗi quốc gia đều xuất phát từ chính nhu cầu của thị trường thế giới. Vì vậy, xuất khẩu thủy sản đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, cụ thể:

Một là, sản phẩm của xuất khẩu thủy sản là những sản phẩm thủy sản thừa do sản xuất vượt quá nhu cầu nội địa. Đối với nền kinh tế còn lạc hậu, ngành thủy sản còn chậm phát triển như Việt Nam, sản xuất thủy sản về cơ bản chưa đủ tiêu dùng và nếu chỉ thụ động chờ sự thừa ra của sản xuất thì xuất khẩu thủy sản vẫn cứ nhỏ bé, không có cơ sở tồn tại và phát triển.

Hai là, xuất khẩu thủy sản sẽ góp phần tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển thuận lợi. Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sẽ cho phép mở rộng quy mô sản xuất, tạo điều kiện để ra đời nhiều ngành nghề mới, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo, kết quả là làm tăng tổng sản phẩm xã hội và nền kinh tế cũng từ đó phát triển nhanh chóng.

Ba là, thông qua hoạt động xuất khẩu thủy sản, các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong nước buộc phải cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thế giới. Để có thể cạnh tranh buộc các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong nước phải tổ chức lại sản xuất, quản lý và kinh doanh hiệu quả hơn để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu và hạ giá thành sản phẩm thủy sản, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi ngày càng phong phú và đa dạng của thị trường thế giới.

Bốn là, khi thực hiện công cuộc đổi mới để phát triển và chuyển dịch nền kinh tế đất nước thì xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản chính là động lực và là nguồn thu ngoại tệ để nhập khẩu các máy móc, thiết bị dụng cụ hiện đại, nguyên nhiên liệu, tạo động lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện thành công công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng được coi là giải pháp làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng có lợi và có hiệu quả kinh tế hơn.

4. Xuất khẩu thủy sản có tác động tích cực đến giải quyết việc làm

Sản xuất và xuất khẩu thủy sản có khả năng thu hút được nhiều lao động với thu nhập cao góp phần cải thiện đời sống người dân. Ở những quốc gia có nguồn lao động dồi dào như ở Việt Nam, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ có tác động lớn đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động, tạo nên sự ổn định về thu nhập cho những người dân sống ở nông thôn. Hơn nữa, một phần kim ngạch xuất khẩu thủy sản thu được có thể được dùng để nhập khẩu hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của đời sống con người.

Xuất khẩu thủy sản với sự phát triển nhanh đã tạo ra hàng loạt việc làm và thu hút một lực lượng lao động đông đảo tham gia vào tất cả các công đoạn sản xuất, làm giảm sức ép của vấn đề thiếu việc làm. Do sản xuất của nhiều lĩnh vực như khai thác, nuôi trồng thủy sản chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình nên đã trở thành nguồn thu hút mọi lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, góp phần vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo. Với sự phát triển liên tục và tương đối bền vững, ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng đã tạo ra một lượng việc làm đáng kể cho nền kinh tế, tỷ trọng lao động làm việc trong ngành thủy sản so với tổng lao động trong cả nước ngày càng tăng lên nhanh chóng.

5. Xuất khẩu thủy sản góp phần mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường địa vị kinh tế của quốc gia trên thị trường thế giới

Xuất khẩu hàng hóa là cơ sở để thúc đẩy và mở rộng các quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới. Xu thế khu vực hóa, quốc tế hóa lực lượng sản xuất đã trở thành xu hướng tất yếu của thời đại và là đòi hỏi khách quan của các quốc gia. Trong xu thế chung này, hoạt động xuất khẩu hàng hóa thu về ngoại tệ là cơ sở áp dụng thành quả khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin… đang là nhu cầu thiết yếu của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa là cơ sở để thúc đẩy và mở rộng các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Đây cũng chính là một mắt xích quan trọng trong đường lối đa phương hóa quan hệ kinh tế.

Xuất khẩu thủy sản phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các hoạt động dịch vụ quốc tế như: bảo hiểm, chuyển giao công nghệ, thanh toán quốc tế, vận tải quốc tế… Ngược lại, cùng với sự phát triển của các hoạt động kinh tế đối ngoại thì hoạt động xuất khẩu thủy sản trong nước sẽ có điều kiện để mở rộng và phát triển theo.

Nhờ có mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác trên thế giới, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có cơ hội nắm bắt và khai thác và học hỏi những điểm mạnh trong quản lý của các tập đoàn lớn. Hoạt động xuất khẩu thủy sản không chỉ là cơ sở để mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại mà nó còn tạo nên những mối quan hệ về các lĩnh vực khác như: Chính trị, văn hóa… đối với đối tác nhập khẩu. Chính vì vậy, xuất khẩu thủy sản góp phần mở rộng quan hệ về nhiều mặt, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Việc ký kết các FTA, đặc biệt là EVFTA hay việc gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế trên thế giới sẽ tạo điều kiện cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu trong việc thâm nhập và mở rộng thị trường trên thế giới một cách thuận lợi. Như vậy, thông qua xuất khẩu thủy sản, Việt Nam có điều kiện thâm nhập vào thị trường thế giới với mức độ tham gia vào các hoạt động thương mại ngày càng nhiều hơn, giúp Việt Nam phát huy tối đa lợi thế của mình trong phân công lao động quốc tế.

Nguồn: Luận án tiến sĩ “Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường liên minh châu Âu (EU)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *