Vai trò lãnh đạo

Khái niệm Vai trò lãnh đạo

Khái niệm Vai trò lãnh đạo

Vai trò lãnh đạo (leadership) là một khái niệm quen thuộc trong quản trị công và có nhiều quan điểm khác nhau khi mô tả khái niệm này (Crosby và Bryson, 2017). Theo nghĩa rộng, có hai quan điểm về vai trò lãnh đạo trong các tổ chức (Howell và Hall-Merenda, 1999). Một quan điểm là nhà lãnh đạo tập trung và cố gắng giải thích hiệu quả bằng cách phân tích các hành vi lãnh đạo cụ thể mà họ thực hiện và liên kết trực tiếp với các kết quả đầu ra. Quan điểm này được áp dụng trong các lý thuyết về lãnh đạo giao dịch và chuyển đổi (Wright và Pandey, 2009).

Quan điểm thứ hai là lãnh đạo dựa trên mối quan hệ, phân tích cách các nhà lãnh đạo tương tác với nhân viên của họ. Với mục đích của luận án nhằm phân tích vai trò của nhà lãnh đạo đối với quá trình thực hiện công việc của kế toán và kết quả công việc của họ là chất lượng thông tin kế toán cung cấp thông qua BCTC thì quan điểm thứ hai là phù hợp nhất. Theo đó, vai trò lãnh đạo có thể được hiểu là quá trình người lãnh đạo ảnh hưởng đến nhân viên thông qua chỉ đạo và hỗ trợ nhân viên thực hiện công việc nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức (Tummers và Knies, 2013).

Hơn nữa, Crosby và Bryson (2017) cũng đồng ý rằng lãnh đạo là nguồn cảm hứng của những người khác để thực hiện hành động tập thể để theo đuổi lợi ích chung. Vì thế, trong luận án này, tác giả đề cập đến các vai trò lãnh đạo mà tập trung vào mức độ nhà lãnh đạo hỗ trợ nhân viên xử lý các vấn đề của khu vực công (Tummers và Knies, 2016).

Luận án Kế toán: Tác động của năng lực kế toán và vai trò lãnh đạo đến chất lượng báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình và thành quả hoạt động trong các đơn vị công tại Việt Nam

Đặc biệt, Van der Wal và cộng sự (2008) cho rằng các nhà quản lý trong khu vực công đòi hỏi những kỹ năng và kiến ​​thức khá đặc biệt so với khu vực tư. Chẳng hạn, họ làm việc trong bối cảnh phải thực thi các quy tắc và quy định của chính phủ (Hill và Hupe, 2014); giải thích các hành động cho các đối tượng có liên quan ở ngoài tổ chức, chẳng hạn như các chính trị gia và giới truyền thông (Bovens, 2007). Chính vì thế, Van der Wal và cộng sự (2008) cho rằng trách nhiệm giải trình và tuân theo quy định, luật lệ của quản trị là những giá trị rất quan trọng đối với nhà lãnh đạo trong khu vực công. Trong luận án này, nhà nghiên cứu tập trung vào vai trò lãnh đạo theo luật và lãnh đạo theo trách nhiệm giải trình vì chúng quan trọng đối với đơn vị công. Và hai loại vai trò này đều liên quan đến thẩm quyền pháp lý của một hệ thống quan liêu truyền thống (Tummers và Knies, 2016), cụ thể như sau:

– Lãnh đạo theo luật (rule-following leadership) là nhà lãnh đạo khuyến khích nhân viên của họ hành động theo các quy tắc, quy định, luật lệ của nhà nước (Tummers và Knies, 2016). Việc tuân thủ theo các quy tắc, quy định và luật lệ của nhà nước là một yêu cầu cơ bản của các nhà quản trị công (DeHart-Davis, 2008). Lane (1994) cũng lưu ý rằng giá trị cốt lõi của hành chính công thể hiện ở việc thực thi luật pháp nhà nước. Liên quan đến điều này, Van der Wal và cộng sự (2008) nhận thấy rằng tuân theo các quy tắc hay luật lệ là giá trị rất quan trọng và không thể thiếu trong khu vực công. Do đó, trong các đơn vị công có tính minh bạch cao, một vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo là kích thích nhân viên của họ tuân theo các quy tắc, quy định và luật lệ của nhà nước và ngăn chặn việc phá vỡ chúng (Bozeman và Bretschneider, 1994).

– Lãnh đạo theo trách nhiệm giải trình (accountability leadership) là nhà lãnh đạo kích thích nhân viên biện minh và giải thích hành động của họ cho các bên liên quan (Tummers và Knies, 2016). Đặc biệt, Crosby và Bryson (2017); Van der Wal và cộng sự (2008) cho rằng trách nhiệm giải trình được coi là giá trị quan trọng nhất đối với khu vực công. Thật vậy, vai trò này đặc biệt phù hợp với các nhà lãnh đạo đơn vị công vì họ có trách nhiệm giải trình với một số bên liên quan điển hình chẳng hạn như chính trị gia địa phương, khu vực và quốc gia, truyền thông, công dân, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp (Karsten, 2015).

Tóm lại, luận án này tập trung nghiên cứu mức độ mà các nhà lãnh đạo hỗ trợ nhân viên giải quyết các vấn đề của khu vực công gồm: tuân thủ các quy định, luật lệ của nhà nước (rule-following leadership) và hành động có trách nhiệm với các bên liên quan (accountability leadership) đã được Tummers và Knies (2016) nghiên cứu.

Khái niệm Vai trò lãnh đạo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *