Đầu tư là gì

Khái niệm về đầu tư – Đầu tư là gì?

Theo Giáo trình Kinh tế Đầu tư (Đại học Kinh tế quốc dân, 2013), đầu tư nói chung là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra để đạt được kết quả đó. Như vậy mục tiêu của mọi công cuộc đầu tư là đạt được các kết quả lớn hơn so với những hy sinh về nguồn lực mà người đầu tư phải gánh chịu khi tiến hành đầu tư. Nguồn lực hy sinh có thể là tiền, là tài nguyên thiên nhiên, là sức lao động và trí tuệ. Những kết quả đạt được có thể tăng thêm các tài sản tài chính, tài sản vật chất, tài sản trí tuệ và nguồn nhân lực có đủ điều kiện làm việc với năng suất lao động cao hơn trong nền sản xuất xã hội.

Theo Từ điển kinh tế học hiện đại “Đầu tư là thuật ngữ được dùng phổ biến nhất để mô tả các khoản chi tiêu (trong một thời kỳ nhất định) để làm tăng hay duy trì tài sản thực”. Trên thực tế, một định nghĩa chính xác hơn bao hàm được yếu tố trên là: đầu tư là những khoản chi tiêu dành cho các dự án sản xuất xuất hàng hóa, những khoản chi tiêu này không dự định dùng cho tiêu dùng trung gian. Đầu tư bao gồm cả đầu tư vào tài sản vật chất và đầu tư vào vốn nhân lực. Điểm khác biệt của hai khoản đầu tư này là người ta không thể tính được lợi ích trong tương lai do đầu tư vào vốn nhân lực như thường tính khi đưa ra quyết định đầu tư vào tài sản vật chất qua giá trị hiện tại thuần của dự án đầu tư. Do đó, trong kinh tế học vĩ mô, đầu tư vào vốn nhân lực không coi là đầu tư kinh tế.

Theo lý thuyết kinh tế học, đầu tư là số tiền mua một đơn vị thời gian của hàng hóa không được tiêu thụ mà sẽ được sử dụng cho sản xuất trong tương lai. Đầu tư thường được mô hình hóa như một hàm của thu nhập và lãi suất, được đưa ra bởi mối quan hệ I = f(Y, r). Một gia tăng trong thu nhập khuyến khích đầu tư cao hơn, trong khi một lãi suất cao hơn có thể không khuyến khích đầu tư do nó trở nên tốn kém hơn để vay tiền. Ngay cả khi một doanh nghiệp lựa chọn để sử dụng quỹ riêng của mình trong một khoản đầu tư, lãi suất đại diện cho một chi phí cơ hội của đầu tư các quỹ này thay vì việc cho vay ra số tiền đó để có tiền lãi.

Theo giáo trình tài chính doanh nghiệp “đầu tư là một hoạt động quan trọng của bất kỳ chủ thể nào trong nền kinh tế. Đó là hoạt động bỏ vốn ở hiện tại với hy vọng đạt được lợi ích tài chính, kinh tế xã hội trong tương lai”. Điều này có thể được hoặc không được hỗ trợ bởi nghiên cứu và phân tích. Hầu hết hoặc tất cả các hình thức đầu tư liên quan đến một số hình thức rủi ro, chẳng hạn như đầu tư vào cổ phần, bất động sản và thậm chí các chứng khoán lãi suất cố định mà có thể, ngoài những điều khác, rủi ro lạm phát.

Theo Sachs – Larrain (1993) thì đầu tư là phần sản lượng được tích luỹ để tăng năng lực sản xuất trong thời kỳ sau của nền kinh tế. Sản lượng ở đây bao gồm phần sản lượng được sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài – theo luồng sản phẩm; đối với loại sản phẩm hữu hình như nhà cửa, công trình xây dựng cơ bản, máy móc thiết bị…hay các sản phẩm vô hình như bằng phát minh sáng chế, phí chuyển nhượng tài sản…, và tài sản cố định trong nền kinh tế tại một thời điểm nào đó được định nghĩa bằng tổng các đầu tư qua các năm, tính đến thời điểm đó.

Theo Luật Đầu tư 2020, đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện kinh doanh. Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Đầu tư là hoạt động chủ quan có cân nhắc của người quản lý cho việc bỏ vốn vào một mục tiêu kinh doanh nào đó với hy vọng sẽ đem lại hiệu quả cao trong tương lai. Trong điều kiện của nền sản xuất hàng hoá, để tiến hành mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều cần phải có tiền. Đối với các doanh nghiệp lần đầu được hình thành thì tiền này được dùng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, mua sắm nguyên vật liệu, trả lương cho người lao động; Đối với doanh nghiệp đang hoạt động thì tiền này dùng để mua sắm máy móc thiết bị, xây thêm nhà xưởng, tăng thêm vốn lưu động nhằm mở rộng quy mô hoạt động hiện có, sửa chữa hoặc mua sắm tài sản cố định mới, thay thế tài sản cũ đã bị hư hỏng.

Vốn đầu tư là khái niệm dùng để chỉ các nguồn lực hiện tại chi dùng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm thu về một nguồn lực mới có khối lượng và giá trị lớn hơn nguồn lực đã bỏ ra. Đối với một doanh nghiệp thì vốn đầu tư xuất hiện từ khi doanh nghiệp còn chưa hình thành và sẽ tiếp tục phát triển đến khi nào doanh nghiệp dừng hoạt động. Hiện nay, vốn đầu tư là một trong những yếu tố tiên quyết trong sự phát triển của bất kì một doanh nghiệp nào. Vốn đầu tư bao gồm:

– Tài sản tài chính: tiền vốn

– Vốn vật chất: là các tài sản vật chất như nhà xưởng, thiết bị, vật tư …(tài sản cố định)

– Tài sản trí tuệ và nguồn nhân lực như trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật

Số tiền cần thiết cho hoạt động đầu tư thường rất lớn, không thể trích ra một lúc từ các khoản tiền chi tiêu thường xuyên của các doanh nghiệp vì sẽ làm xáo trộn mọi hoạt động bình thường của sản xuất và sinh hoạt xã hội. Do đó tiền sử dụng vào các hoạt động đầu tư chỉ có thể là tiền tích luỹ của xã hội, là tiền tích luỹ của các doanh nghiệp, là tiền tiết kiệm của dân và vốn huy động từ nước ngoài.

Khái niệm vốn đầu tư có thể hiểu là “tiền tích luỹ của xã hội, của các cơ sở sản xuất kinh doanh, là tiền tiết kiệm của dân và huy động từ các nguồn khác đưa vào quá trình tái sản xuất xã hội nhằm duy trì cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt xã hội và trong mỗi gia đình”. Hay có thể nói vốn đầu tư nói chung là tổng số tiền bỏ ra để đạt được mục đích đầu tư trong một khoảng thời gian nào đó. Như vậy, đầu tư của doanh nghiệp là việc doanh nghiệp sử dụng vốn để thực hiện một mục tiêu kinh doanh nhằm thu được lợi nhuận trong tương lai.

Vốn đầu tư của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay. Theo đó, vốn chủ sở hữu là vốn góp của chủ doanh nghiệp, vốn cổ phần, lợi nhuận để lại. Vốn vay là các khoản vốn mà doanh nghiệp đi vay để tài trợ cho hoạt động đầu tư, bao gồm vay từ các tổ chức tín dụng, vốn trái phiếu, vay từ các nguồn khác…

Kể từ sau đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được tài trợ chủ yếu từ việc tăng vốn đầu tư. Trong bối cảnh nguồn lực vốn đầu tư (vốn vật chất) ngày càng khan hiếm, Luận án thực hiện đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp dưới góc độ hiệu quả vốn vật chất. Đây là nguồn vốn được hình thành từ vốn chủ sở hữu và vốn vay đầu tư vào tài sản cố định và hàng năm có thể được bổ sung khi doanh nghiệp tiến hành đầu tư mới. Như vậy, tích lũy vốn của doanh nghiệp là khoản vốn được chuyển hóa từ vốn vay và vốn chủ sở hữu vào tài sản cố định của doanh nghiệp..

Để đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, Luận án sử dụng khái niệm “Vốn đầu tư của doanh nghiệp là tích lũy vốn tài sản cố định của doanh nghiệp được đưa vào quá trình sản xuất kinh doanh”.

Nguồn: Luận án Kế toán “Hoàn thiện thông tin kế toán công bố của các doanh nghiệp niêm yết nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *