Phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp

Phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp

Có nhiều tiêu thức khác nhau để phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp, sau đây tác giả trình bày 3 tiêu thức phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp cơ bản:

1. Phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp theo quan hệ sở hữu

Căn cứ vào quan hệ sở hữu, nguồn vốn của doanh nghiệp được phân thành nợ phải trả và vốn chủ sở hữu:

* Nợ phải trả:

Là biểu hiện bằng tiền những nghĩa vụ tài chính mà DN có trách nhiệm phải thanh toán cho các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN. Theo tính chất các khoản nợ có thể chi tiết nợ phải trả bao gồm: nợ vay và nợ chiếm dụng.

Nợ vay (nguồn vốn tín dụng): Bao gồm các khoản vay ngắn hạn và dài hạn như vay của NH, tổ chức tín dụng, vay thông qua phát hành trái phiếu DN, thuê tài chính v.v.. Đặc điểm khi sử dụng nguồn vốn này là: điều kiện sử dụng khắt khe, thường yêu cầu tài sản đảm bảo, thời hạn sử dụng linh hoạt và DN có nghĩa vụ hoàn trả đúng hạn.

DN sử dụng nợ vay có nhiều ưu điểm: (i) chi phí sử dụng nợ vay thường thấp hơn VCSH; (ii) sử dụng nợ vay như đòn bẩy tài chính để có thể khuếch đại khả năng sinh lời của vốn chủ; (iii) tận dụng lợi ích của “tấm chắn thuế” từ nợ vay giảm thuế thu nhập DN phải nộp. Bên cạnh đó, việc sử dụng nợ vay cũng có những điểm bất lợi nhất định, cụ thể: (i) tăng rủi ro tài chính; (ii) nếu sử dụng đòn bẩy tài chính không hiệu quả sẽ làm sụt giảm nhanh chóng khả năng sinh lời của vốn chủ; (iii) quy mô vốn vay bị giới hạn bởi các chủ nợ thường đưa ra các quy định về hạn mức tín dụng theo từng khách hàng nhằm phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng.

– Nợ chiếm dụng nguồn vốn chiếm dụng: Bao gồm những khoản phải trả, phải nộp nhưng chưa đến kỳ hạn thanh toán nên DN được phép sử dụng hợp pháp trong một thời hạn nhất định. Cụ thể gồm: nợ phải trả nhà cung cấp, người lao động, nợ thuế nhà nước, các khoản phải trả phải nộp khác… Nợ chiếm dụng có đặc điểm: Thời hạn sử dụng ngắn, không mất chi phí sử dụng vốn, quy mô vốn chiếm dụng nhỏ và điều kiện sử dụng dễ dàng.

DN sử dụng nguồn vốn này một cách linh hoạt sẽ góp phần tiết kiệm chi phí sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Song, nếu DN lạm dụng quá mức nguồn vốn này sẽ đưa lại những bất lợi nhất định như: DN bị phạt lãi chậm trả rất cao nếu không thanh toán đúng hạn hoặc không được hưởng chiết khấu thanh toán từ nhà cung cấp, nhân viên mất động lực sáng tạo, gây tâm lý không tốt; uy tín DN bị ảnh hưởng trong trường hợp nộp thuế muộn.

* Vốn chủ sở hữu:

Là phần vốn thuộc quyền sở hữu của chủ DN bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu và lợi nhuận giữ lại.

-Vốn đầu tư của CSH: là phần vốn mà CSH đầu tư vào DN thông qua các hình thức góp vốn bao gồm vốn góp ban đầu và số vốn góp bổ sung trong quá trình kinh doanh. Vốn góp ban đầu là lượng vốn do các thành viên sáng lập đóng góp nên khi mới thành lập DN và được ghi trong điều lệ DN. Đây là phần vốn quan trọng thuộc vốn chủ sở hữu của DN. Trong quá trình hoạt động, khi cần thiết phải huy động thêm vốn chủ sở hữu để mở rộng kinh doanh, các DN có thể gia tăng vốn CSH bằng cách phát hành thêm cổ phiếu hay huy động vốn góp từ các thành viên hoặc từ nguồn lợi nhuận sau thuế giữ lại.

– Lợi nhuận giữ lại: là phần lợi nhuận sau thuế có được từ kết quả kinh doanh hàng năm được CSH giữ lại tái đầu tư vào công ty nhằm bổ sung tăng vốn kinh doanh dài hạn. Thông thường các cổ đông sẽ được nhận cổ tức vào cuối năm tài chính từ thu nhập sau thuế của DN. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thay vì phân phối toàn bộ lợi nhuận cho các cổ đông, các DN giữ lại một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư. Các DN thường giữ lại lợi nhuận nhằm đầu tư vào các khu vực mà DN có thể tạo ra các cơ hội tăng trưởng tốt, ví dụ như mua máy móc thiết bị mới hoặc chi tiền nhiều hơn cho việc nghiên cứu và phát triển.

DN sử dụng nguồn vốn CSH có nhiều ưu điểm bao gồm: tránh được áp lực phải thanh toán gốc và lãi đúng hạn; tăng tự chủ tài chính; chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn CSH cũng có những điểm bất lợi nhất định như: chi phí sử dụng vốn chủ thường cao hơn vốn vay, phức tạp liên quan đến quyền quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao, thông thường một DN phải phối hợp cả hai nguồn: vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Sự kết hợp giữa hai nguồn này phụ thuộc vào đặc điểm của từng ngành mà DN hoạt động, tùy thuộc vào quyết định của người quản lý trên cơ sở xem xét tình hình kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp.

Xem thêm: Khái niệm nguồn vốn của doanh nghiệp

2. Phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp theo thời gian huy động vốn và sử dụng vốn

Căn cứ vào thời gian huy động và sử dụng vốn, nguồn vốn của DN bao gồm: Nguồn vốn ngắn hạn (nguồn vốn tạm thời) và nguồn vốn dài hạn (nguồn vốn thường xuyên)

Nguồn vốn ngắn hạn (nguồn vốn tạm thời):

Là các nguồn vốn có tính chất ngắn hạn (thường có thời gian sử dụng dưới một năm). DN thường sử dụng để đáp ứng các nhu cầu về vốn có tính chất tạm thời phát sinh trong hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn ngắn hạn bao gồm các khoản vay ngắn hạn và các khoản nợ ngắn hạn khác (các khoản phải nộp, phải trả hoặc phải thanh toán ngắn hạn …)

DN sử dụng nguồn vốn ngắn hạn có những ưu điểm cơ bản đó là có lợi về chi phí sử dụng vốn và tính linh hoạt. Tuy nhiên, DN sử dụng nguồn vốn này cũng đưa lại bất lợi rất lớn thể hiện áp lực thanh toán nợ cao, tăng nguy cơ mất khả năng thanh khoản.

Nguồn vốn dài hạn (nguồn vốn thường xuyên):

Là tổng thể các nguồn vốn có tính chất ổn định mà DN có thể sử dụng vào hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn này thường được sử dụng để mua sắm, hình thành tài sản cố định và một bộ phận tài sản lưu động thường xuyên cần thiết cho hoạt động kinh doanh của DN. Nguồn vốn dài hạn bao gồm nợ dài hạn và VCSH.

Sử dụng nguồn vốn dài hạn mamg lại cho DN lợi thế về thời gian sử dụng và hoàn trả vốn song có bất lợi về chi phí sử dụng vốn cũng như thiếu sự linh hoạt bởi khó điều chỉnh CCNV. Nguồn vốn thường xuyên của DN là căn cứ để xác định nguồn vốn lưu động thường xuyên (NWC).

Nguồn vốn lưu động thường xuyên

Là một phần nguồn vốn thường xuyên dùng để tài trợ cho tài sản luu động thường xuyên cần thiết trong hoạt động kinh doanh của DN. Tại một thời điểm NWC của DN được xác định như sau:

NWC Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn Hoặc: NWC Nguồn vốn dài hạn – Tài sản dài hạn

Nếu N C<0, có nghĩa DN đã dùng nguồn có tính chất ngắn hạn để đầu tư TSDH. Trường hợp này giúp DN tiết kiệm chi phí sử dụng vốn nhưng rủi ro tài chính cao và điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các DN hoạt động có tỷ lệ đầu tư vốn vào tài sản dài hạn cao.

-Nếu N C>0, có nghĩa DN đã dùng một phần nguồn dài hạn để tài trợ cho TSNH. Trường hợp này rủi ro tài chính của DN thấp nhưng phải mất chi phí sử dụng vốn cao hơn.

-NếuN C=0, có nghĩa DN đã dùng toàn bộ nguồn vốn ngắn hạn chỉ để tài trợ cho TSNH và toàn bộ nguồn vốn dài hạn chỉ để tài trợ cho TSDH. Trường hợp này DN đảm bảo nguyên tắc tài trợ, cân bằng giữa rủi ro và chi phí sử dụng vốn. Song, cách tài trợ này không tạo ra tính ổn định trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các DN có tốc độ luân chuyển vốn chậm.

Việc phân loại này giúp cho người quản lý xem xét huy động các nguồn vốn huy động phù hợp với thời gian sử dụng của các yếu tố cần thiết cho quá trình kinh doanh.

3. Phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp theo phạm vi huy động vốn

Căn cứ vào phạm vi huy động vốn, nguồn vốn của DN có thể chia thành nguồn vốn bên trong và nguồn vốn bên ngoài. Việc phân loại này chủ yếu để xem xét việc huy động vốn của một doanh nghiệp đang hoạt động:

Nguồn vốn bên trong DN (nguồn vốn nội sinh):

Là số vốn DN có thể huy động được từ chính hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn bên trong của DN chính là số lợi nhuận giữ lại tái đầu tư bao gồm lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ trích từ lợi nhuận. Sử dụng nguồn vốn bên trong DN có những điểm lợi đó là: (i) tiết kiệm thời gian và chi phí huy động vốn; (ii) giữ quyền kiểm soát cho cổ đông hiện hành; (iii) không bị áp lực thanh toán đúng hạn; (iv) chủ động trong sử dụng vốn. Song điểm bất lợi lớn nhất khi sử dụng nguồn vốn bên trong đó là quy mô vốn thường nhỏ.

Nguồn vốn bên ngoài DN (nguồn vốn ngoại sinh):

Là số vốn DN có thể huy động được từ bên ngoài DN bao gồm: vốn vay (cá nhân, tổ chức), tín dụng thương mại, vốn góp liên doanh, liên kết, thuê tài sản, phát hành chứng khoán… DN sử dụng nguồn vốn bên ngoài có ưu điểm vượt trội về quy mô vốn so với nguồn vốn bên trong. Ngược lại, DN bị lệ thuộc bởi bên ngoài và nguồn vốn này cũng không tạo ra sự tăng trưởng bền vững cho DN.

Việc phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp theo cách này sẽ giúp cho các nhà quản lý có điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn một cách phù hơp với thời gian sử dụng, đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn sản xuất kinh doanh và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong DN. Hơn nữa cách phân loại này còn giúp các nhà quản lý DN lập ra các kế hoạch tài chính hình thành nên những dự định về tổ chức lựa chọn nguồn vốn và quy mô thích hợp cho từng nguồn vốn đó, tổ chức sử dụng vốn đạt hiệu quả cao.

Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp sử dụng bất kỳ nguồn vốn nào cũng đều có những điểm lợi và bất lợi nhất định. Để đưa ra quyết định về cơ cấu nguồn vốn tối ưu, DN cần sử dụng kết hợp các nguồn vốn một cách hợp lý giữa VCSH và nợ phải trả, giữa nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn, giữa nguồn vốn bên trong và nguồn vốn bên ngoài nhằm đạt mục tiêu tối đa hoá giá trị DN trên cơ sở tối đa hoá khả năng sinh lời, tối thiểu hoá rủi ro và chi phí sử dụng vốn.

Nguồn: Luận án tiến sĩ Tài chính – Ngân hàng “Hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp thực phẩm niêm yết ở Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.