Download Luận án Kinh tế Phát triển: Đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp ở Việt Nam
2. Những điểm mới của Luận án
2.1. Về lý luận
Từ việc tổng quan tài liệu nghiên cứu và các lý thuyết về đầu tư, Luận án đã xây dựng khung nghiên cứu về đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp dưới góc độ đánh giá hiệu quả vốn đầu tư của các nhóm doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Luận án cũng đã làm sâu sắc hơn các lý thuyết về đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp ở góc độ vĩ mô và vi mô.
Ở góc độ vĩ mô, khung lý thuyết đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp được xây dựng thông qua việc so sánh các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế-xã hội giữa các nhóm doanh nghiệp theo loại hình kinh tế để xem xét hiệu quả của từng nhóm doanh nghiệp. Các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp cũng được Luận án đưa vào khung phân tích. Đó là các yếu tố của môi trường đầu tư và mức độ cạnh tranh của ngành.
Ở góc độ vi mô, Luận án xây dựng khung đánh giá hiệu quả đầu tư từ các chỉ số tài chính đo lường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các yếu tố về đặc điểm doanh nghiệp cũng được đưa vào khung phân tích như là các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Từ các mô hình lý thuyết đầu tư, Luận án cũng đã xây dựng được mô hình định lượng đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp ở Việt Nam và mô hình đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
2. Về thực tiễn
Từ khung phân tích đã có, Luận án sử dụng đồng thời phương pháp định tính và định lượng để đánh giá hiệu quả đầu tư và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp ở Việt Nam với số liệu điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2006-2020 (thu thập thông tin giai đoạn 2005-2019). Việc đánh giá hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp đã được xem xét, phân tích ở 3 khu vực doanh nghiệp: doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Một số phát hiện của Luận án là:
Thứ nhất, theo thời gian, hiệu quả kinh tế – xã hội của vốn đầu tư của doanh nghiệp đang tăng lên, đặc biệt ở khía cạnh tạo việc làm chính thức. Hiệu quả kinh tế – xã hội của khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cũng cao hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước(DNNN) và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI), thể hiện qua mức tăng năng suất lao động, đóng góp vào ngân sách và tạo việc làm.
Thứ hai, hiệu quả đầu tư ở góc độ tài chính của doanh nghiệp ở Việt Nam không có sự thay đổi theo thời gian. Dường như hoạt động đầu tư của khối DNNN không xuất phát từ kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, xét theo ngành nghiên cứu, kết quả phân tích định lượng không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản và ngành dịch vụ (không bao gồm ngành tài chính-ngân hàng, và các ngành dịch vụ công như y tế, giáo dục).
Thứ tư, quy mô doanh nghiệp tỷ lệ thuận với hiệu quả của vốn đầu tư. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì hiệu quả đầu tư càng cao.
Thứ năm, môi trường đầu tư chưa thể hiện ảnh hưởng rõ rệt đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp ở Việt Nam. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay đang là rào cản cho hoạt động đầu tư của các DNTN ở Việt Nam.
Từ các kết quả nghiên cứu, Luận án đã đưa ra những đề xuất và hàm ý chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn tới.