Download Luận án Luật dân sự và Tố tụng dân sự: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam
Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
2.1 Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của Luận án là hoàn thiện chế định BTTH do xâm phạm
QTG nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể QTG. Bảo vệ tốt quyền lợi của chủ thể QTG là động lực khiến các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư công sức, trí tuệ, cơ sở vật chất, tài chính vào hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Từ đó, khuyến khích sự phát triển của xã hội.
Việc hoàn thiện cơ chế BTTH do xâm phạm quyền tác giả được thể hiện trên các khía cạnh:
– Bổ sung nguyên tắc BTTH, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH nhằm nâng cao khả năng được bồi thường và mức BTTH.
– Đánh giá thực trạng xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả và đề xuất hướng hoàn thiện quy định của Luật SHTT về hành vi xâm phạm quyền tác giả và giới hạn của các trường hợp ngoại lệ. Việc xác định đúng tính chất, phạm vi hành vi xâm phạm QTG là căn cứ quan trọng để xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH và mức BTTH, giúp quyền lợi của chủ thể QTG được đảm bảo.
– Xác định loại thiệt hại được bồi thường để mở rộng khả năng được BTTH của chủ thể QTG trong một số trường hợp mà pháp luật hiện hành đang giới hạn.
– Nâng cao khả năng tự định đoạt của chủ thể QTG trong việc xác định mức BTTH.
2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu, Luận án thực hiện những nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, nghiên cứu hệ thống cơ sở lý luận về trách nhiệm BTTH, đặc trưng của QTG trong sự so sánh với các đối tượng khác của quyền SHTT và với các loại tài sản hữu hình. Nêu lên bản chất của trách nhiệm BTTH trong lĩnh vực QTG. Từ đó, xác định (1) các yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH do xâm phạm QTG; (2) mối tương quan trong áp dụng quy định chung của pháp luật dân sự và pháp luật SHTT để điều chỉnh các vấn đề về trách nhiệm BTTH do xâm phạm QTG. Mặc dù QTG mang những đặc trưng riêng nên cần có những quy định phù hợp để điều chỉnh các quan hệ tương ứng nhưng các quy định này cũng cần phải bảo đảm tính thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, nhất là các quy định của pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, doanh nghiệp…
Thứ hai, phân tích, đánh giá, kết luận về thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về BTTH do xâm phạm QTG thông qua khai thác một số bản án và các tình huống thực tiễn nhằm chỉ ra ưu điểm và bất cập trong quy định pháp luật hiện hành. Qua đó, xác định những hạn chế khiến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể QTG chưa được bảo vệ tốt. Tìm kiếm giải pháp cho những hạn chế này thông qua cơ sở lý luận và hướng xử lý từ thực tiễn xét xử.
Thứ ba, đánh giá xu hướng phát triển của các biện pháp chế tài dân sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả thông qua nghiên cứu quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… và các điều ước quốc tế có liên quan để đối chiếu, so sánh với quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. Tìm hiểu các phương thức xây dựng và thực hiện pháp luật để nâng cao hiệu quả biện pháp BTTH do xâm phạm QTG, thúc đẩy chủ thể quyền sử dụng các biện pháp dân sự để khôi phục, bù đắp quyền lợi bị mất. Những kiến nghị áp dụng căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội tại Việt Nam để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Từ đó, tìm kiếm giải pháp cho những hạn chế còn tồn tại để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của chủ thể QTG.
Thứ tư, đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật BTTH do xâm phạm quyền tác giả hướng đến bảo vệ trước hết lợi ích của chủ thể QTG, tập trung vào hai vấn đề chính: Xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả chịu trách nhiệm BTTH và xác định thiệt hại, mức BTTH do xâm phạm QTG.
LA31.063_Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam