Download Luận án Quản lý kinh tế: Quản lý nhà nước của tỉnh Thanh Hóa đối với phát triển du lịch bền vững
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Ngày nay, trên thế giới du lịch đã trở thành hiện tượng KT-XH phổ biến, là cầu nối tình hữu nghị, là phương tiện gìn giữ hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc. Ở nhiều quốc gia, du lịch là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, đem lại lợi ích về KT-XH trong phát triển. Ở Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc, thay đổi diện mạo và từng bước khẳng định tầm vóc của ngành trong nền kinh tế quốc dân, góp phần phát triển KT-XH, thúc đẩy giao lưu văn hóa làm cho nhân dân thế giới hiểu biết them về đất nước con người Việt Nam, tranh thủ được sự thiện cảm và sự đồng tình ủng hộ quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ và bảo vệ tổ quốc; đóng góp tích cực hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Trong chiến lược PTDL tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: “Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm phát triển du lịch của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”. Vì vậy, trong những năm qua, hoạt động đầu tư khai thác và PTDL đã từng bước được chú trọng, lượng khách du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ khá, doanh thu, giá trị tăng thêm cũng đạt mức tăng trưởng cao; cơ sở vật chất phát triển; vốn đầu tư cho du lịch tăng đều qua các năm và theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá khá rõ nét…
Thực chất quá trình quản lý đối với PTDLBV là việc tác động đến chúng nhằm thực hiện các mục tiêu đã định trước. Chính vì vậy, để đảm bảo cho ngành kinh tế du lịch phát triển ổn định, bền vững và những hạn chế, tiêu cực thì cần phải có sự quản lý của nhà nước. Sự QLNN đảm bảo cho du lịch phát triển ổn định, bền vững, phát huy tối đa những lợi thế và hạn chế những mặt trái. Điều này xuất phát từ bản chất của du lịch là một lĩnh vực kinh tế mang tính đặc thù rõ nét, bên cạnh các quy luật chung, du lịch được hình thành, vận động và phát triển theo những quy luật riêng của mình. Theo đó, ngoài những tác động tích cực làm thay đổi bộ mặt KT-XH của đất nước, hoạt động này cũng làm nảy sinh nhiều mặt tiêu cực, đặc biệt là đối với môi trường. Chính vì vậy, để đảm bảo cho ngành du lịch PTBV không thể thiếu sự QLNN.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, sự PTDLBV tỉnh Thanh Hóa chưa đạt được mức tương xứng và còn nhiều hạn chế đáng kể trên các mặt: Chất lượng và tính đa dạng của sản phẩm du lịch, chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, chất lượng và tính đồng bộ của hệ thống cơ sở vật chất, công tác quản lý HĐDL; Đặc biệt, từ góc độ QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDL đang bộc lộ những vấn đề đáng quan tâm: những chủ trương, chiến lược, quy hoạch, chính sách này mới là bước đầu, chưa đồng bộ, nhất quán, chưa tạo môi trường thuận lợi để PTDLBV; tổ chức bộ máy quản lý và công tác kiểm tra, giám sát cũng còn nhiều thiếu sót, thực hiện chưa nghiêm…; Trong quá trình triển khai thực hiện, sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý, khai thác du lịch trên địa bàn và mối liên kết với các tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn mới, tính chuyên nghiệp trong tổ chức, HĐDL chưa cao.
Để du lịch tỉnh Thanh Hóa phát triển trên cơ sở phát huy các tiềm năng và lợi thế của địa phương, trở thành ngành kinh tế quan trọng, là động lực phát triển KTXH của tỉnh, công tác QLNN về du lịch đóng vai trò then chốt, tạo tiền đề cơ bản cho du lịch Thanh Hóa được phát triển mạnh mẽ hơn. Việc nhận thức đầy đủ về cơ sở lý luận và thực tiễn đối với QLNN tại địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV, cũng như đánh giá thực trạng QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV, từ đó rút ra được những mặt đạt được và hạn chế làm cơ sở để để tiến hành nghiên cứu, tìm ra định hướng và giải pháp phù hợp giúp cho hoạt động QLNN phát huy hết sức mạnh vốn có, tạo điều kiện tỉnh Thanh Hóa phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết, từ các lý do đó, tác giả lựa chọn đề tài: “Quản lý nhà nước của tỉnh Thanh Hóa đối với phát triển du lịch bền vững” làm luận án tiến sĩ.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài luận án là xác lập các nội dung, xây dựng các tiêu chí đánh giá; phân tích và đánh giá thực trạng QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với phát triển du lịch bền vững, từ đó đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với phát triển du lịch bền vững.
* Nhiệm vụ nghiên cứu
Về lý luận:
– Hệ thống hóa cơ sở lý luận về PTDLBV và QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV;
– Cụ thể hóa các nội dung QLNN cấp tỉnh đối với PTDLBV thông qua các tiêu chí đánh giá.
– Xác định các yếu tố ảnh hưởng tới QLNN cấp tỉnh đối với PTDLBV.
– Tìm hiểu kinh nghiệm QLNN của một số địa phương trong và ngoài nước đối với PTDLBV, từ đó, rút ra bài học cho tỉnh Thanh Hóa.
Về thực tiễn:
– Đánh giá thực trạng PTDLBV của tỉnh Thanh Hóa theo 03 góc độ: kinh tế, xã hội và môi trường;
– Phân tích và đánh giá một cách trung thực, khách quan thực trạng nội dung QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV thông qua các tiêu chí, rút ra các kết luận về những ưu điểm, những hạn chế và nguyên nhân, nhằm tạo dựng luận cứ thực tiễn cho các đề xuất giải pháp;
– Đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV.
Nhằm đạt được mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận án cần trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau:
Câu hỏi xuyên suốt trong luận án là “Cần phải làm thế nào để tăng cường QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV”.
Các câu hỏi chi tiết như sau:
(1) Hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV bao gồm những nội dung, tiêu chí, công cụ, phương pháp gì?
(2) Thực trạng PTDLBV tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 dựa trên các tiêu chí đánh giá?
(3) Thực trạng nội dung QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV thông qua các nhóm tiêu chí đánh giá trong thời gian qua như thế nào?
(4) Các yếu tố nào ảnh hưởng tới QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV?
(5) Các giải pháp nhằm tăng cường QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV thời gian tới là gì?
(6) Kiến nghị với bộ, ngành nào để tăng cường QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV?
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án là: những vấn đề lý luận và thực tiễn về QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV.
Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi nội dung nghiên cứu:
Luận án nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV; trong đó tập trung tập trung nghiên cứu những nội dung, các tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng tới QLNN cấp tỉnh đối với PTDLBV.
Trên cơ sở các nội dung QLNN về du lịch nói chung, luận án sẽ tập trung nghiên cứu về QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV theo các các nội dung sau: Thứ nhất, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách PTDL của quốc gia; Thứ hai, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện VBPL về DLBV địa phương; Thứ ba, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với PTDLBV, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước đối với PTDLBV; Thứ tư, quản lý xúc tiến phát triển thị trường du lịch; Thứ năm, quản lý công nhận khu, điểm du lịch và cấp phép HĐDL (gồm điểm du lịch, khu du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch); Thứ sáu, quản lý bảo tồn, khai thác TNDL và bảo vệ môi trường; Thứ bảy, quản lý phát triển nguồn nhân lực (quy hoạch, đào tạo), ứng dụng khoa học và công nghệ trong PTDL; Thứ tám, tổ chức kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong PTDLBV.
– Liên quan đến các nhóm tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện các nội dung QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV, luận án tập trung nghiên cứu 04 nhóm tiêu chí: tính hiệu lực, tính hiệu quả, tính phù hợp và tính bền vững với 28 tiêu chí.
Phạm vi không gian nghiên cứu:
Luận án chỉ tập trung nghiên cứu QLNN của địa phương cấp tỉnh là Thanh Hóa mà không nghiên cứu QLNN cấp trung ương và cấp huyện, cấp xã. Trong đó “cấp tỉnh” ở đây được hiểu là bao gồm cả tỉnh và TP trực thuộc trung ương theo phân cấp hành chính Việt Nam hiện nay (được quy định tại Điều 110 Hiến pháp 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương).
Phạm vi thời gian nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu về thực trạng PTDLBV và QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV trong giai đoạn 2016-2020, việc phỏng vấn chuyên gia và khảo sát được thực hiện từ tháng 05/2019 đến tháng 09/2019. Dữ liệu năm 2020 được sử dụng để nghiên cứu bối cảnh hiện tại do HĐDL năm 2020 bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19, không thể hiện được tính quy luật. Các giải pháp trong luận án được đề xuất áp dụng cho đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Những đóng góp mới của đề tài luận án
* Về lý luận
Luận án đã hệ thống hóa và làm rõ các vấn đề lý luận cơ bản về QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV bao gồm:
- Xác lập khái niệm QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV;
- Xây dựng được khung lý thuyết về nội dung và hệ thống tiêu chí đánh giá QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV và sử dụng để khảo sát, làm cơ sở cho việc phân tích và đánh giá thực trạng QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV.
- Xác định được các yếu tố ảnh hưởng tới QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV.
* Về thực tiễn
(i) Luận án rút ra được những bài học kinh nghiệm cho tỉnh Thanh Hóa trong QLNN về PTDLBV thông qua việc nghiên cứu kinh nghiệm QLNN của một số địa phương trong và ngoài nước đối với PTDLBV.
(ii) Đánh giá được thực trạng PTDLBV của tỉnh Thanh Hóa theo 03 góc độ: kinh tế, xã hội và môi trường;
(iii) Đánh giá được thực trạng nội dung QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với phát triển du lịch bền vững thông qua các tiêu chí đánh giá, nhằm tìm ra những nguyên nhân của các hạn chế trong QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV;
(iv) Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố đến QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV.
(v) Tổng hợp đề xuất quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV trên cơ sở các kết luận về những thành công, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV đối với PTDLBV; Các giải pháp về đề xuất của luận án có tính khả thi, và phù hợp với tình hình cũng như bối cảnh chung trong điều kiện phát triển KTXH và PTDL của tỉnh Thanh Hóa.
5. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, các Phụ lục, luận án bao gồm 04 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Chương 2: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLBV.
Chương 3: Thực trạng QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV.
Chương 4: Định hướng và giải pháp nhằm tăng cường QLNN của tỉnh Thanh Hóa đối với PTDLBV.