Download Luận án Kinh tế phát triển: Phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội
Mục đích nghiên cứu
Đánh giá thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng, để đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống, tiếp cận theo hình thức tổ chức sản xuất, tiếp cận theo vùng, tiếp cận có sự tham gia, tiếp cận chuỗi giá trị để đề xuất khung phân tích và thu thập dữ liệu cho nghiên cứu phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngoài các số liệu thứ cấp được thu thập từ các sách báo, tạp chí, luận án, Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, tác giả còn tiến hành điều tra phỏng vấn 495 hộ chăn nuôi gia cầm và 108 trang trại chăn nuôi gia cầm tại 12 xã đại diện nghiên cứu thuộc 4 huyện (Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Đông Anh). Các phương pháp xử lý và phân tích số liệu, thông tin gồm: thống kê mô tả, thống kê so sánh, dãy số biến động thời gian, phân tích SWOT, hạch toán kinh tế hộ, phương pháp cho điểm, phân tích nhân tố khám phá với thang đo Likert; phân tích hồi quy đa biến.
Kết quả chính và kết luận
Chăn nuôi gia cầm ở Hà Nội vẫn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, mang lại hiệu quả thấp. Kinh tế trang trại, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã có xu hướng phát triển. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, quy mô sản xuất vừa và nhỏ là phổ biến. Số lượng các hộ chăn nuôi gia cầm năm 2021 là hơn 321 nghìn hộ, trong đó các hộ chăn nuôi dưới 50 con chiếm khoảng 72% tổng số hộ, số hộ chăn nuôi quy mô hơn 1000 con chiếm 3,6%. Trong giai đoạn 2017-2021, tổng đàn gia cầm của Hà Nội tăng bình quân 8%/năm, sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng tăng 9,6%/năm và giá trị sản xuất của chăn nuôi gia cầm tăng 8%/năm. Chăn nuôi gia cầm có đóng góp đáng kể vào sự phát triển ngành chăn nuôi và ngành nông nghiệp của Hà Nội.
Các hạn chế chủ yếu trong phát triển chăn nuôi gia cầm ở Hà Nội là năng suất chăn nuôi chưa cao, dịch bệnh vẫn thường xảy ra. Giá thành sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thị trường thức ăn chăn nuôi,… Tỷ lệ sản phẩm gia cầm được tiêu thụ qua các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết là rất ít. Giá bán sản phẩm đầu ra không ổn định, còn còn bấp bênh. Điều này cho thấy các hộ chăn nuôi gia cầm ở thành phố Hà Nội vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro của thị trường.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: điều kiện tự nhiên, Cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi gia cầm của Hà Nội; Thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gia cầm của thành phố Hà Nội; Cơ sở hạ tầng và dịch vụ; Nhu cầu và thị trường người tiêu dùng; Nguồn lực cơ sở chăn nuôi gia cầm; Hiểu biết và ứng xử của người chăn nuôi gia cầm. 7 nhóm yếu tố này đã được kiểm định bằng phương pháp nhân tố khám khá, chạy hàm hồi quy và cho thấy có ảnh hưởng tích cực (cả 7 biến đều có hệ số dương và có ý nghĩa thống kê).
Để phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Quản lý quy hoạch phát triển chăn nuôi gia cầm; Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm; Tổ chức sản xuất và tiêu thụ gia cầm theo chuỗi giá trị; Tăng cường nguồn lực cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm; Nâng cao hiểu biết và nhận thức cho người chăn nuôi gia cầm; Áp dụng khoa học công nghệ mới vào chăn nuôi; Tăng cường quản lý ngành về chăn nuôi gia cầm.
LA06.075_Phát triển bền vững chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội