Download Luận văn thạc sĩ Chính sách công: Những nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của người Khmer tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Trong những năm vừa qua, các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long đã thực hiện thành công việc thúc đẩy phát triển kinh tế đi kèm với xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên đồng bào dân tộc Khmer đến nay vẫn có tỷ lệ nghèo cao hơn người dân thuộc các dân tộc khác nơi đây. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là người ta chỉ biết được nhân tố ảnh hưởng đến nghèo của người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, chứ chưa nắm được nhân tố riêng ảnh hưởng đến nghèo ở người Khmer.
Nghiên cứu này sử dụng cả phương pháp định lượng và phương pháp định tính để tìm ra những nhân tố ảnh hưởng đến nghèo ở người Khmer. Trước hết, nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu điều tra mức sống hộ gia đình VHLSS 2010 để ước lượng các nhân tố ảnh hưởng đến nghèo. Sau đó tác giả tiến hành phỏng vấn một số chuyên gia để kiểm tra về sự phù hợp của kết quả nghiên cứu định lượng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của người Khmer tại Đồng bằng Sông Cửu Long là: giáo dục, khoản tín dụng nhận được, diện tích đất bình quân, việc hộ tham gia kinh doanh và dịch vụ, hộ ở khu vực nông thôn hay thành thị, hộ ở địa bàn có chợ liên xã, hộ ở xã thuộc chương trình 135, hộ ở Trà Vinh hay không, giới tính chủ hộ, quy mô hộ, tỷ lệ phụ thuộc và văn hóa của người Khmer.
Trong những nhân tố kể trên, thì hầu hết các nhân tố ảnh hưởng đến nghèo ở người Khmer đều giống với những dân tộc khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Riêng yếu tố văn hóa là một nhân tố đặc trưng ảnh hưởng đến nghèo ở người Khmer mà nghiên cứu tìm ra. Ở người Khmer phổ biến lối suy nghĩ chỉ cần làm đủ ăn và thích đầu tư cho kiếp sau hơn là tiết kiệm cho đời sống hiện tại. Chính điều này là một rào cản lớn đối với việc giảm nghèo cho đồng bào Khmer.
Từ đó, nghiên cứu cho rằng cần có sự điều chỉnh trong chính sách giảm nghèo cho người Khmer so với hiện nay. Ngoài những chính sách chung, chính sách giảm nghèo cho người Khmer cần tập trung vào việc thay đổi nhận thức của họ. Giải pháp được đề xuất là nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ có điều kiện. Nhà nước chỉ cung cấp khoản hỗ trợ cho các hộ nghèo người Khmer khi họ tiết kiệm được một khoản nhất định. Việc này được tiến hành qua một thời gian dài sẽ giúp người Khmer nhận ra lợi ích của việc tiết kiệm và kích thích ý chí vươn lên của họ. Điều này sẽ tạo nên thay đổi trong tư duy của người Khmer, từ đó giúp họ thoát nghèo một cách hiệu quả.
Từ khóa: Khmer, Đồng bằng Sông Cửu Long, nghèo, giảm nghèo.
ThS18.020_Những nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng nghèo của người Khmer tại Đồng bằng Sông Cửu Long