Download Luận án tiến sĩ Luật học: Hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay
1. Tính cấp thiết của đề tài
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, có chức năng, nhiệm vụ rất cơ bản là tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Cơ chế Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý là để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Đảng và Nhà nước rất cần có sự tham gia, hơn thế là sự tham gia chủ động, tích cực, thực chất, có hiệu quả từ phía MTTQVN trong công tác xây dựng đảng, nhà nước mà trọng tâm là giám sát và phản biện xã hội (PBXH).
Trong quá trình đổi mới từ năm 1986 đến nay, quyền và trách nhiệm của MTTQVN nói chung, giám sát và PBXH nói riêng mặc dù đã có những bước hoàn thiện về cơ chế, chính sách và nỗ lực trong quá trình tổ chức thực hiện nhưng chưa thực sự mang lại sự chuyển biến đồng bộ, thay đổi căn bản, đột phá. Pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN thời gian qua có nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống các quy định không đồng bộ; nhiều quy định của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa đầy đủ thành pháp luật; các quy định rải rác, tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau; có những quy định còn hình thức, thiếu tính khả thi; tính quy phạm của pháp luật chưa chặt chẽ, thiếu tính ràng buộc trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Như vậy, quá trình thực hiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN bên cạnh những kết quả đạt được thì nhiều nội dung thiếu hiệu quả có nguyên nhân từ những bất cập, hạn chế của pháp luật như vừa nêu trên và những nguyên nhân chủ quan từ xây dựng và quá trình thực hiện pháp luật. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN cần được nghiên cứu về mặt lý luận, tổng kết thực tiễn cả về pháp luật và thực hiện pháp luật để có các giải pháp hoàn thiện theo yêu cầu xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Vì các lý do trên, nghiên cứu sinh chọn đề tài “Hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay” làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận về giám sát, PBXH, pháp luật về giám sát, PBXH và đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về giám sát, PBXH của MTTQVN, luận án xác định quan điểm và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục đích trên, luận án định ra và giải quyết các nhiệm vụ sau đây:
– Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước liên quan đến đề tài của luận án. Xác định những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, đặt ra giả thuyết nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu của đề tài luận án.
– Nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận về hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN.
– Khái quát lịch sử hình thành và phát triển, đánh giá thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN.
– Đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là những vấn đề lý luận và thực tiễn của pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN; tham khảo kinh nghiệm một số nước. Từ đó, luận án luận chứng khoa học và đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
– Phạm vi về không gian: Luận án tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận của pháp luật và hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN (chủ yếu thông qua hoạt động của Ủy ban Trung ương MTTQVN và Ủy ban MTTQVN các cấp ở địa phương, một số quy định, lĩnh vực có đề cập đến vai trò của tổ chức thành viên) với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đánh giá quá trình hình thành, phát triển và thực trạng của pháp luật về lĩnh vực này. Từ đó, nêu quan điểm, đưa ra giải pháp bảo đảm hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN.
– Phạm vi về thời gian: Luận án nghiên cứu pháp luật về giám sát và PBXH từ năm 1992 (khi lần đầu tiên Hiến pháp có quy định về giám sát của MTTQVN); trong đó chủ yếu đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN từ khi có Hiến pháp năm 2013 đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án được nghiên cứu trên cơ sở lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN; về vị trí, vai trò của MTTQVN; về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án nghiên cứu, vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước và pháp luật; về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, về giám sát và PBXH trong Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật. Luận án sử dụng một số phương pháp có tính phổ biến của khoa học pháp lý như phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp luật học so sánh, phương pháp thống kê và một số phương pháp khác, cụ thể như sau:
– Phương pháp phân tích tài liệu sơ cấp. Phương pháp này được áp dụng để phân tích các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án; phân tích các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan trực tiếp đến đề tài luận án (các chương 1, 2).
– Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng trong nhiều nội dung thuộc chương 2 chương 3 và chương 4 để phân tích, đánh giá làm sáng rõ các khía cạnh đặc điểm của các vấn đề, nội dung nghiên cứu, trên cơ sở đó khái quát hóa, rút ra những nhận xét, kết luận và đề xuất các quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN.
– Phương pháp luật học so sánh được sử dụng để đối chiếu, so sánh những quan điểm, chính sách, quy định của pháp luật; chủ thể, khách thể, đối tượng của giám sát, PBXH; nghiên cứu, làm rõ sự tương đồng và khác biệt trong tổ chức và hoạt động của một số tổ chức có tính chất tương tự như MTTQVN ở một số nước có giá trị tham khảo cho Việt Nam (chương 1).
– Phương pháp thống kê. Phương pháp này được áp dụng để thống kê số liệu, phân tích và đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN (chương 3).
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án “Hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay” có một số đóng góp mới sau đây:
Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng các khái niệm giám sát, PBXH, pháp luật về giám sát và PBXH, góp phần bổ sung và làm phong phú thêm một số kiến thức lý luận pháp luật về giám sát, PBXH, trên cơ sở đó bổ sung và phát triển vào hệ thống các khái niệm về quyền, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN và hoàn thiện pháp luật về giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN.
Thứ hai, nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, cụ thể là một số tổ chức có tính chất tương đồng để từ đó rút ra những vấn đề Việt Nam có thể học tập, tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH.
Thứ ba, nghiên cứu, đánh giá thực trạng quy định của pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và tổ chức thực hiện; phân tích một cách có hệ thống, đồng thời chỉ ra những khiếm khuyết, hạn chế của pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN hiện nay.
Thứ tư, đề xuất quan điểm, định hướng hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH của MTTQVN và đưa ra kiến nghị các giải pháp cơ bản và tổng thể nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hoàn thiện pháp luật về giám sát, pháp luật về PBXH của MTTQVN trong tình hình hiện nay.
Luận án đã luận giải, đề xuất Quốc hội xây dựng và ban hành một số luật mới thay thế cho Luật MTTQVN hiện hành và tạo cơ chế cho MTTQVN nói chung, Ủy ban MTTQVN các cấp nói riêng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về lý luận: Luận án góp phần làm phong phú thêm lý luận về hoàn thiện pháp luật về giám sát và PBXH. Theo đó, góp phần hoàn thiện mối quan hệ giữa các thiết chế trong hệ thống chính trị, nhất là với Nhà nước; hoàn thiện vai trò, vị trí, quyền, trách nhiệm của MTTQVN hiện nay.
Về thực tiễn: Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống có tính chuyên sâu về giám sát và PBXH của MTTQVN. Kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị tham khảo đối với việc hoạch định chính sách, pháp luật của các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giám sát và PBXH; đồng thời luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.
Chương 2: Những vấn đề lý luận hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chương 3: Thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chương 4: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
LA31.061_Hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay