Download Luận án Kế toán: Các nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Mục tiêu chung
Xác định các nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS đối với DN tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu được dùng làm cơ sở hỗ trợ cho các bên liên quan trong việc ban hành các chính sách để nâng cao mức độ sẵn sàng của DN trong việc áp dụng IFRS tại VN.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu 1: Xác định các nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng của DN khi áp dụng IFRS tại VN.
Mục tiêu 2: Đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến mức độ sẵn sàng của DN khi áp dụng IFRS tại VN.
3. Câu hỏi nghiên cứu
Nghiên cứu này nhằm trả lời hai câu hỏi sau:
Câu hỏi số 1: Những nhân tố nào tác động đến mức độ sẵn sàng của DN khi áp dụng IFRS tại VN?
Câu hỏi số 2: Mức độ tác động của từng nhân tố đến mức độ sẵn sàng của DN khi áp dụng IFRS tại VN?
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng của DN khi áp dụng IFRS tại VN.
4.2. Phạm vi nội dung
Các nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng của DN khi áp dụng IFRS tại VN. Luận án không nghiên cứu nội dung từng chuẩn mực cụ thể đối với bộ IFRS.
4.3. Phạm vi thời gian
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 08 năm 2020, trong đó:
Tài liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn được công bố trong giai đoạn 2010 – 2020, đặc biệt có các bài báo mới được các tác giả khác công bố trong ba năm gần đây 2018 – 2020. Ngoài ra, có một số tài liệu tương đối cũ, tuy nhiên đây là những nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực IFRS, là lí thuyết lớn hoặc nghiên cứu liên quan đến các lí thuyết cơ sở trong nghiên cứu về quản trị, kế toán – tài chính nên không thể bỏ qua (ví dụ, Lí thuyết Đại diện được phát triển bởi Jensen và Meckling (1976), Lí thuyết hành vi hoạch định của Ajzen (1991) được phát triển từ Lí thuyết hành động hợp lý của Fishbein và Ajzen (1975), DiMaggio và Powell (1983) với Lí thuyết Đẳng cấu Thể chế…). Ngoài ra, tài liệu thứ cấp còn bao gồm bộ IFRS cho các DN, các tài liệu, sách, báo, nghiên cứu có liên quan đến mức độ sẵn sàng của DN khi vận dụng IFRS tại VN.
Số liệu sơ cấp trong luận án được thu thập từ tháng 01 năm 2020 đến tháng 08 năm 2020, được dựa trên việc phỏng vấn lãnh đạo DN, giám đốc điều hành, CFO, và kế toán trưởng của DN trong nước.
4.4. Phạm vi không gian
Nghiên cứu được thực hiện tại VN, bao gồm các khu vực tỉnh/thành phố được khảo sát: Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, Tp. Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương. Cơ sở để luận án lựa chọn các địa phương để khảo sát là dựa trên việc tiến hành lấy ý kiến của chuyên gia để chọn địa bàn nghiên cứu. Sau khi được tư vấn, tác giả đã chọn địa bàn khảo sát là Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, Tp. Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương. Lý do các chuyên gia cho rằng nên tiến hành khảo sát các DN ở các khu vực trên là do đặc điểm về số lượng tập trung doanh nghiệp, tình hình phát triển mạnh của các DN, khả năng cao các doanh nghiệp ở các khu vực trên có tiếp cận về nhiều nguồn thông tin mới có liên quan đến áp dụng IFRS. Do đó, việc chọn các địa bàn khảo sát như trên sẽ mang tính đại diện cao cho tổng thể, giúp tăng tính khoa học, cũng như tính chuẩn xác trong hoạt động khảo sát.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng hai (02) phương pháp nghiên cứu:
(1) Phương pháp nghiên cứu định tính: bao gồm tổng quan nghiên cứu, lí thuyết có liên quan, phương pháp tổng hợp, so sánh, và phương pháp thảo luận nhóm với chuyên gia được luận án sử dụng để nhận diện, xác định nhân tố ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng của DN trong vận dụng IFRS. Dựa trên kết quả thảo luận nhóm, luận án thực hiện xây dựng bảng câu hỏi phỏng vấn chuyên gia gồm những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực áp dụng IFRS, từ đó xác định và đưa ra mô hình phù hợp với thực tế các DN tại VN.
(2) Phương pháp nghiên cứu định lượng, được sử dụng bao gồm:
+ Tiến hành khảo sát các DN tại VN thông qua bảng câu hỏi được thiết kế căn cứ thang đo Likert 5 mức độ (được qui định từ 1: Hoàn toàn không đồng ý --> 5: Hoàn toàn đồng ý), nhằm đánh giá tác động của các nhân tố đến mức độ sẵn sàng của DN ở VN.
+ Kỹ thuật thống kê mô tả, được vận dụng để mô tả các số liệu thu thập được bao gồm: trung bình (mean), độ lệch chuẩn, giá trị lớn nhất (max) và giá trị nhỏ nhất (min).
+ Kỹ thuật phân tích Cronbach’s Alpha, được luận án vận dụng để đánh giá độ tin cậy thang đo.
+ Kỹ thuật EFA, được vận dụng để xác định nhân tố đại diện ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng của DN khi vận dụng IFRS tại VN.
+ Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính-SEM dựa trên bình phương tối thiểu từng phần (Partial Least Squares Structural Equation Model – PLS SEM) được vận dụng để ước lượng giả thuyết trong mô hình đã được thiết lập, đánh giá nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng của DN ở VN.
6. Những đóng góp mới của luận án
Kết quả luận án đóng góp về mặt lí thuyết và thực tiễn sau:
– Về mặt lí thuyết:
+ Điểm mới thứ nhất: Kiểm chứng được tác động của sự hỗ trợ của nhà quản lý đến mức độ sẵn sàng của DN khi vận dụng IFRS ở VN.
+ Điểm mới thứ hai: Tiếp cận theo trường phái kết hợp lí thuyết Đẳng cấu Thể chế và Lý thuyết Đại diện để biện luận cho ảnh hưởng của sự hỗ trợ của nhà quản lý đến mức độ sẵn sàng của DN khi vận dụng IFRS, cách tiếp cận này mang lại luận giải mới về vấn đề nghiên cứu.
+ Điểm mới thứ ba: Tiếp cận theo thang đo đo lường mức độ sẵn sàng của Guerreiro và cộng sự (2008) chưa được kiểm định rộng rãi tại Việt Nam.
– Về mặt thực tiễn:
+ Đối với cơ quan hoạch định chính sách: có thể làm cơ sở đề xuất kiến nghị cho cơ quan chức năng ban hành chính sách để nâng cao mức độ sẵn sàng của DN khi vận dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại VN.
+ Đối với các DN tại VN: kết quả của luận án mang lại nhiều ích lợi cho DN có sự chuẩn bị phù hợp để làm tăng mức độ sẵn sàng ứng dụng IFRS.
7. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu, luận án được kết cấu gồm 5 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Trong chương này, tác giả trình bày tổng quan các hướng nghiên cứu cũng như các lí thuyết liên quan được các học giả sử dụng trước đây, từ đó xác định khoảng trống nghiên cứu.
Chương 2: Cơ sở lý thuyết
Trong chương này, luận án trình bày tổng quan về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho các DN, các lý thuyết nền được vận dụng, từ đó đề xuất mô hình và giả thuyết nghiên cứu.
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Trong chương này, tác giả trình bày thiết kế nghiên cứu, khung nghiên cứu, qui trình nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu định tính, xây dựng thang đo, phương pháp đo lường và tính toán dữ liệu, thiết kế nghiên cứu định lượng, phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM dựa trên bình phương tối thiểu từng phần (Partial Least Squares Strutural Squared Model – PLS-SEM).
Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Trong chương này, luận án trình bày kết quả nghiên cứu định tính, kết quả nghiên cứu sơ bộ, kết quả nghiên cứu chính thức, thảo luận kết quả từ phân tích dữ liệu dựa trên kỹ thuật thống kê mô tả, kỹ thuật Cronbach’s Alpha, kỹ thuật EFA, kỹ thuật phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính-SEM dựa trên bình phương tối thiểu từng phần (PLS-SEM).
Chương 5: Kết luận và hàm ý
Trong chương này, tác giả trình bày kết quả của luận án, thảo luận phát hiện thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu. Dựa trên các kết luận này, luận án đề xuất các hàm ý về lí thuyết và hàm ý về chính sách liên quan đến nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng của DN khi vận dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại VN.
LA09.104_Các nhân tố tác động đến mức độ sẵn sàng áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam