Download Luận án Kinh tế chính trị: Quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các Bệnh viện Quân y (Qua thực tế Bệnh viện Quân y 103)
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Làm rõ lý luận về quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các
bệnh viện quân y; trên cơ sở đó luận án phân tích, đánh giá thực trạng quan hệ lợi ích trong thực hiện TCTC ở các bệnh viện quân y thông qua thực tiễn ở Bệnh viện Quân y 103 và từ đó đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích trong thực hiện TCTC ở các bệnh viện quân y.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án xác định những nhiệm vụ cần thực hiện:
Thứ nhất, tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan tới đề tài của luận án để xác định những nội dung mà các đề tài khác đã nghiên cứu và có thể kế thừa, khẳng định những khoảng trống luận án cần nghiên cứu tiếp.
Thứ hai, làm rõ một số khái niệm liên quan tới đề tài; luận giải quan niệm, đặc điểm, nội dung và các nhân tố ảnh hưởng tới quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y.
Thứ ba, phân tích, đánh giá thực trạng của quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y (qua thực tế Bệnh viện Quân y 103) kể từ khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (13/2/2018 đến nay) về việc tự chủ tài chính. Chỉ ra những kết quả, hạn chế về quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính, tìm ra được những nguyên nhân của những kết quả, hạn chế đó để có cơ sở đưa ra những giải pháp phù hợp;
Thứ tư, đề xuất các giải pháp chủ yếu góp phần đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y.
3. Đối tượng và giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính; các mối quan hệ lợi ích cơ bản trong cung cấp và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh khi các bệnh viện quân y thực hiện tự chủ tài chính.4
3.2. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
Về nội dung: Nghiên cứu trọng tâm của luận án là quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y (qua thực tế Bệnh viện Quân y 103). Tuy nhiên: thứ nhất, luận án không nghiên cứu tất cả các khâu của quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ ở bệnh viện quân y mà chỉ tập trung vào khâu cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; thứ hai, luận án không nghiên cứu tất cả các chủ thể, mà chỉ nghiên cứu bốn chủ thể có vai trò quan trọng nhất trong cung cấp và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh khi các bệnh viện quân y thực hiện tự chủ tài chính. Cụ thể, bốn chủ thể đó gồm: Cơ quan quản lý nhà nước các bệnh viện quân y, Bệnh viện quân y, Thầy thuốc quân y, Bệnh nhân. Từ các chủ thể đó, hình thành các mối quan hệ lợi ích sau: (1) Mối quan hệ lợi ích giữa chủ thể Nhà nước với các bệnh viện quân y; (2) Mối quan hệ lợi ích giữa các bệnh viện quân y với thầy thuốc trong bệnh viện; (3) Mối quan hệ lợi ích giữa các thầy thuốc quân y với bệnh nhân. Ngoài ra, một số chủ thể khác có liên quan tới quá trình cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh ở các bệnh viện quân y như: những người làm công tác hành chính, nhà đầu tư liên kết, cung cấp dược, cung cấp vật tư tiêu hao,… luận án có đề cập tới nhưng không phân tích, để tập trung phân tích ba mối quan hệ lợi ích cơ bản nhất trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y.
Về thời gian: Luận án nghiên cứu quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y từ tháng 2 năm 2018 đến tháng 12 năm 2020, bởi lẽ đây là thời điểm các bệnh viện quân y có quyết định chính thức của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc được phép tự chủ tài chính (có xem xét tới những biểu hiện trước đó liên quan tới tự chủ tài chính). Luận án không nghiên cứu năm 2021 vì số liệu tự chủ tài chính của các bệnh viện quân y trong năm 2021 không phản ánh chính xác quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong đó, do các bệnh viện quân y và đội ngũ thầy thuốc tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên cả nước theo lệnh điều động của Bộ Quốc phòng.
Về không gian: Luận án nghiên cứu quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y (Qua thực tế Bệnh viện Quân y 103) là chủ yếu.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác –
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề quan hệ lợi ích, TCTC; đồng thời kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của một số công trình khoa học đã được thẩm định có liên quan tới đề tài.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
– Tác giả luận án sử dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học để nghiên cứu, đồng thời kết hợp với các phương pháp khác như: phương pháp logic kết hợp với lịch sử, phân tích và tổng hợp, sử dụng số liệu thống kê và mô hình hóa để nghiên cứu.
– Các phương pháp nghiên cứu cụ thể:
Thứ nhất, thu thập số liệu: Đối với số liệu thứ cấp, NCS thu thập số liệu từ báo cáo tổng kết năm và báo cáo tổng kết công tác đảng, công tác chính trị hàng năm của Cục Quân y, Bệnh viện Quân y (tập trung Bệnh viện Quân y 103) và những số liệu được công bố trên các tạp chí của Quân đội. Đối với số liệu sơ cấp, NCS sử dụng phương pháp điều tra xã hội học thông qua khảo sát bằng phiếu điều tra với hai đối tượng: thầy thuốc đang công tác tại Bệnh viện Quân y 103 và các thầy thuốc công tác tại các bệnh viện quân y về Học viện Quân y học sau đại học; người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Quân y 103 để thu thập số liệu thực tế, nhằm làm rõ hơn đối tượng nghiên cứu của luận án.
Thứ hai, xử lý số liệu: Các số liệu sau khi thu thập được, NCS nhập vào phần mềm Excel, tính toán ra con số tuyệt đối và tỉ lệ phần trăm để minh họa cho các nội dung phân tích.
Thứ ba, phân tích số liệu: Từ số liệu thứ cấp và sơ cấp được NCS sử dụng phương pháp tổng hợp, so sánh, phân tích, nhận xét để làm rõ mối quan hệ lợi ích trong thực hiện TCTC ở các bệnh viện quân y và Bệnh viện Quân y 103.
– Ngoài ra, NCS còn tiến hành gặp gỡ, trao đổi, xin ý kiến của các chuyên gia về tình tình hình tự chủ tài chính của các bệnh viện quân y và quan hệ lợi ích giữa các chủ thể. Thông qua ý kiến nhận định của các chuyên gia giúp tác giả luận án đánh giá chính xác hơn thực trạng giải quyết mối quan hệ lợi ích và đề ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn.
5. Những giá trị khoa học và thực tiễn của luận án
Thứ nhất, luận án cung cấp một hướng tiếp cận mới về lĩnh vực TCTC trong các bệnh viện quân y, ngoài cách tiếp cận theo góc độ kinh tế tài chính và quản lý kinh tế. Cách tiếp cận của luận án về quan hệ lợi ích được thực hiện dưới góc độ kinh tế chính trị đối với lĩnh vực tự chủ tài chính. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ quan niệm, nội dung và các nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y.
Thứ hai, qua nghiên cứu, phân tích thực tế, luận án làm rõ hơn thực trạng quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện quân y. Đó là quan hệ lợi ích giữa: chủ thể quản lý nhà nước với các bệnh viện quân y; bệnh viện quân y với thầy thuốc trong bệnh viện; các thầy thuốc quân y với bệnh nhân. Từ đó chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân ưu điểm, hạn chế trong giải quyết quan hệ lợi ích khi bệnh viện quân y thực hiện tự chủ tài chính.
Thứ ba, đề xuất một số giải pháp có tính toàn diện và khả thi nhằm đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích cho các chủ thể khi tham gia vào quá trình thực hiện tTCTC ở các bệnh viện quân y.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án gồm 4 chương sau:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.
Chương 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các Bệnh viện Quân y.
Chương 3. Thực trạng quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các Bệnh viện Quân y (Qua thực tiễn Bệnh viện Quân y 103).
Chương 4. Quan điểm và giải pháp đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các Bệnh viện Quân y.
LA07.067_Quan hệ lợi ích trong thực hiện tự chủ tài chính ở các Bệnh viện Quân y (Qua thực tế Bệnh viện Quân y 103)