tạo động lực

Giải pháp tạo động lực làm việc của giảng viên các trường đại học

Để tạo động lực làm việc cho giảng viên các trường đại học, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, bên cạnh vấn đề tạo điều kiện phát huy năng lực giảng dạy của giáo viên, Nhà nước cần có chính sách để khích lệ, tạo động lực lao động cho đội ngũ các nhà giáo. Trong giáo dục – đào tạo, để có được động lực cho cán bộ, giáo viên làm việc, vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục là rất lớn.

Mục tiêu của các nhà quản lý là phải làm sao tạo ra được động lực để người lao động có thể làm việc đạt hiệu quả cao nhất trong công việc của mình. Cán bộ giáo viên phải được giao quyền và được có trách nhiệm. Cần có những đánh giá thường xuyên và công bằng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng người lao động, tạo động lực để họ làm việc và cống hiến.

Hai là, Nhà nước cần quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển, qua đó làm cơ sở để phát huy được đội ngũ giảng viên. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và mạnh về chất lượng. Việc tuyển chọn nguồn đào tạo giảng viên phải được tiến hành toàn diện, kỹ lưỡng cả về xu hướng nghề nghiệp sư phạm, khả năng phát triển tài năng sư phạm, phong cách và hành vi sư phạm.

Ba là, cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của từng trường và yêu cầu của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bốn là, đảm bảo điều kiện vật chất, tinh thần thuận lợi cho giảng viên. Đây thực sự là động lực thúc đẩy đội ngũ giảng viên tập trung trí lực vào các hoạt động chuyên môn của mình. Cần quan tâm đầu tư, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, thư viện, phòng phương pháp (phòng luyện giảng) của nhà trường, phòng phương pháp của các khoa giáo viên để có điều kiện tập luyện, trau dồi kỹ năng, tay nghề sư phạm.

Mặt khác, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động quản lý giáo dục, đào tạo của nhà trường, kể cả quản lý nội dung, chương trình đào tạo và quản lý toàn diện đội ngũ giảng viên. Quan tâm, chú trọng xây dựng văn hóa trường học tích cực; tạo điều kiện cho giáo viên phát huy khả năng sáng tạo; tạo ra sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau của các giáo viên nhằm phát triển chuyên môn; có sự ghi nhận, đánh giá công bằng, công khai, dân chủ với thành tích của giáo viên.

Tạo môi trường làm việc tích cực còn thể hiện qua tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, được trao đổi, bàn bạc công khai các hoạt động của trường học; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sắp xếp thời gian giảng dạy hợp lý, tạo môi trường cảnh quan sư phạm thân thiện…

Năm là, đảm bảo các chính sách cho các giảng viên, bao gồm: Các chính sách bảo đảm quyền lợi cho người lao động: (chính sách lương, thưởng, chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách về các khoản phụ cấp)…

Sáu là, tạo điều kiện để các giảng viên thăng tiến trong công việc (đây là sự phát triển trong nấc thang nghề nghiệp, thể hiện nhu cầu được công nhận, được khẳng định). Các trường đại học cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho đội ngũ giảng viên, khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn trong nghiên cứu.

Đồng thời, đề cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học; phải gắn kết giữa công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học để từ đó đề ra kế hoạch nghiên cứu kết hợp với công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên, học viên sau đại học; tham gia đóng góp ý kiến để hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ càng ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn nữa.

Giải pháp tạo động lực làm việc của giảng viên các trường đại học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *