Download Luận án Luật Kinh tế: Pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp ở Việt Nam
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án: luận án tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp và pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp. Phân tích và đánh giá một cách toàn diện thực trạng pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp và thực tiễn thực hiện tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp.
Nhiệm vụ nghiên cứu: xuất phát từ mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án có các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:
Phân tích những vấn đề lý luận về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp và sự điều chỉnh của pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp.
Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật lao động Việt Nam hiện hành về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp, chỉ ra những ưu điểm và những hạn chế còn tồn tại trong quy định của pháp luật.
Phân tích, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp, chỉ ra những kết quả đạt được và những điểm còn tồn tại hạn chế trong thực tiễn thực hiện pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp và nguyên nhân.
Đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật lao động và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp ở Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án
Quản trị nhận sự tại doanh nghiệp có thể được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Trong luận án này thuộc ngành Luật, chuyên ngành đào tạo Luật kinh tế, do vậy nghiên cứu sinh tiếp cận quản trị nhân sự dưới góc độ pháp luật lao động mà cụ thể là Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành và thực tiễn thực hiện tại các doanh nghiệp. Pháp luật quốc tế và pháp luật của một số quốc gia về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp cũng được nghiên cứu ở mức độ nhất định.
3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án
Phạm vi về nội dung: Pháp luật lao động về quản trị nhân sự là vấn đề rộng. Trong luận án này nghiên cứu sinh chỉ nghiên cứu những nội dung cơ bản pháp luật lao động về quản trị nhận sự tại doanh nghiệp. Luận án chia làm hai nội dung chính bao gồm công cụ quản trị nhân sự gồm nội quy lao động; thỏa ước lao động tập thể; quy chế tiền lương và các quy chế khác trong doanh nghiệp; hợp đồng lao động (HĐLĐ). Nội dung chính thứ hai các nội dung quản trị nhân sự gồm tuyển dụng nhân sự; quản lý và sử dụng nhân sự; đãi ngộ đối với nhân sự; đào tạo và phát triển nhân sự. Luận án không nghiên cứu về xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tranh chấp về quản trị nhân sự cũng như vấn đề đình công. Luận án cũng chỉ nghiên cứu pháp luật lao động về quản trị nhân sự cho NLĐ nói chung, không nghiên cứu những quy định riêng dành cho đối tượng lao động đặc thù như lao động nữ, lao động cao tuổi, NLĐ nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam…
Phạm vi về không gian: Luận án nghiên cứu thực tiễn thực hiện pháp luật lao động về quản trị nhân sựsự tại các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Phạm vi về thời gian: Do BLLĐ năm 2019 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021 và có sự kế thừa rất nhiều quy định của BLLĐ năm 2012 nên luận án sẽ nghiên cứu thực tiễn thực hiện pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp ở cả thời điểm trước khi BLLĐ năm 2019 có hiệu lực pháp luật.
LA31.068_Pháp luật lao động về quản trị nhân sự tại doanh nghiệp ở Việt Nam