Download Luận án tiến sĩ ngành Kinh tế phát triển: Phát triển du lịch nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
Luận án đã làm rõ nội hàm du lịch nông thôn, qua đó xác định rõ PT du lịch nông thôn có vai trò quan trọng trong việc PT du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao đời sống người dân, hỗ trợ việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực có liên quan và bảo vệ, phát huy các giá trị của môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa khu vực nông thôn.
Luận án đã làm rõ các nội dung của PT du lịch nông thôn phải bao gồm phát triển cung du lịch, cầu du lịch nông thôn, phát triển các nguồn lực, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, liên kết và bảo vệ phát triển môi trường du lịch. Luận án cũng chỉ ra 4 nhóm nhân tố tác động đến việc phát triển du lịch nông thôn là khả năng tiếp cận, nguồn lực, môi trường kinh doanh và khả năng quản trị.
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án:
Vùng đồng bằng sông Hồng có tiềm năng rất lớn và hội tụ đủ các điều kiện để PT du lịch nông thôn. Du lịch nông thôn của vùng đồng bằng sông Hồng đã hình thành và tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện trạng cung du lịch vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp và chất lượng chưa cao. Thị trường du lịch nông thôn của vùng còn khá hẹp cả về quy mô và phạm vi, tính thời vụ cao.
Du lịch nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng đang có nhiều cơ hội để PT từ chính sách cho đến xu hướng thị trường. Tuy nhiên du lịch nông thôn của vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cả nội sinh và ngoại sinh.
PT du lịch nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng cần đặt trong bối cảnh PT kinh tế – xã hội chung của vùng, đảm bảo sự gắn kết nội ngành, liên ngành, liên vùng, lấy người dân và các giá trị văn hóa – tự nhiên bản địa làm nền tảng.
Để PT du lịch nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng cần nhiều giải pháp đồng bộ, liên ngành, liên vùng trong đó cần tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, cơ chế; nâng cao nhận thức; đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm và nhân lực du lịch cũng như bảo vệ và phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch.