Luận án tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh: Các yếu tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận thông tin truyền khẩu điện tử của người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh (LA08.077)
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. Mục tiêu tổng quát
Nghiên cứu tác động của các yếu tố thông tin, các yếu tố xã hội, các yếu tố hoài nghi đến cảm nhận của người tiêu dùng về các khía cạnh khác nhau của thông tin, ảnh hưởng đến việc chấp nhận thông tin truyền khẩu điện tử (eWOM) của người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đưa ra một số đề xuất dùng thông tin eWOM để phát triển kênh thông tin trên môi trường đa phương tiện như mạng xã hội, các trang web doanh nghiệp, các trang tư vấn tiêu dùng,… để thực hiện marketing trực tuyến một cách hiệu quả căn cứ trên hiểu biết về bản chất của tiến trình chấp nhận thông tin eWOM và nguyên nhân chấp nhận thông tin này.
2 Mục tiêu cụ thể
Mục tiêu 1: Xác định mối quan hệ giữa các yếu tố thông tin, yếu tố xã hội và yếu tố hoài nghi đến việc chấp nhận thông tin eWOM của người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục tiêu 2: Đo lường mức độ tác động của các mối quan hệ giữa các yếu tố thông tin, yếu tố xã hội và yếu tố hoài nghi đến việc chấp nhận thông tin eWOM của người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục tiêu 3: Đề xuất các hàm ý quản trị cho các nhà quản lý các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố thông tin, yếu tố xã hội và yếu tố hoài nghi đến việc chấp nhận thông tin eWOM của người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm đề tài luận án quản trị kinh doanh: Nghiên cứu tác động của quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
KẾT CẤU CỦA LUẬN ÁN
Luận án bao gồm 5 chương:
Chương 1: Tổng quan về nghiên cứu
Nội dung Chương 1 trình bày về lý do chọn đề tài luận án; tiếp theo là phần lược khảo các nghiên cứu liên quan, bao gồm: các nghiên cứu áp dụng mô hình gốc – IAM, áp dụng có chỉnh sửa mô hình gốc – IAM, tích hợp mô hình gốc – IAM với lý thuyết hoặc mô hình khác, các nghiên cứu về sự hoài nghi của người tiêu dùng Trên cơ sở lược khảo, luận án nhận dạng cơ hội nghiên cứu và đề nghị câu hỏi nghiên cứu; mục tiêu nghiên cứu của luận án; đối tượng và phạm vi nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu; ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án.
Chương 2: Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Nội dung Chương 2 trình bày các lý thuyết liên quan, bao gồm: Lý thuyết bất hòa nhận thức, Lý thuyết giao tiếp xã hội, Lý thuyết Hành động hợp lý và Hành vi có kế hoạch, Lý thuyết triển vọng đánh giá kỹ lưỡng và Lý thuyết sự thích ứng với xã hội; các mô hình gốc, bao gồm: mô hình Chấp nhận công nghệ – TAM và mô hình Chấp nhận thông tin – IAM, đề nghị cách tiếp cận để xây dựng mô hình nghiên cứu của luận án. Chương 2 có kết quả là Mô hình nghiên cứu đề nghị và Thang đo nháp.
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Nội dung Chương 3 trình bày về phương pháp nghiên cứu của luận án. Phần đầu tiên của Chương 3 trình bày về quy trình nghiên cứu. Quy trình nghiên cứu bắt đầu từ vấn đề nghiên cứu, xác định mục tiêu nghiên cứu, tiếp đến là nghiên cứu định tính, nghiên cứu định lượng, trình bày kết quả nghiên cứu và rút ra hàm ý quản trị. Thiết kế nghiên cứu định tính, bao gồm 2 bước: Bước 1 nhằm xác định khái niệm nghiên cứu và các biến đo lường, Bước 2 sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm nhằm điều chỉnh, bổ sung khái niệm nghiên cứu, biến đo lường và đánh giá mô hình nghiên cứu. Thiết kế nghiên cứu định lượng, bao gồm 2 bước: Bước 1 nghiên cứu định lượng sơ bộ với nhóm nhỏ (N=50) nhằm xây dựng thang đo, Bước 2 nghiên cứu định lượng chính thức (N=500) nhằm kiểm định thang đo, kiểm định mô hình đo lường và mô hình cấu trúc. Phần cuối Chương 3 trình bày phương pháp thu thập số liệu và kết quả nghiên cứu định tính. Chương 3 có kết quả là Mô hình nghiên cứu chỉnh sửa và Thang đo chính thức.
Chương 4: Kết quả nghiên cứu và Thảo luận
Nội dung Chương 4 trình bày về các kết quả nghiên cứu định lượng của luận án. Bao gồm, các kết quả kiểm định thang đo chính thức, kiểm định mô hình đo lường, kiểm định mô hình cấu trúc, đánh giá mô hình cạnh tranh và thảo luận về các kết quả nghiên cứu định lượng. Chương 4 có kết quả là Mô hình nghiên cứu chính thức và các nội dung định lượng về thang đo và các mối quan hệ trong mô hình nghiên cứu của luận án.
Chương 5: Kết luận và hàm ý quản trị
Nội dung Chương 5 trình bày phần kết luận, hàm ý quản trị của luận án, hạn chế của nghiên cứu và định hướng nghiên cứu tiếp theo. Phần hàm ý quản trị của luận án bao gồm các hàm ý quản trị rút ra từ thang đo các khái niệm nghiên cứu và các hàm ý quản trị rút ra từ tác động của các nhân tố. Chương 5 là chương cuối cùng của luận án.