Doanh nghiệp xã hội

Khái niệm Doanh nghiệp xã hội

Mặc dù xuất hiện từ rất lâu nhưng khái niệm về doanh nghiệp xã hội vẫn đang là đề tài tranh luận tại nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bởi tính đa dạng và phức tạp của lĩnh vực này, hiện vẫn chưa có khái niệm thống nhất về DNXH. Sau đây là một số khái niệm khá phổ biến về DNXH trên thế giới và ở Việt Nam:

Trên thế giới:

Khái niệm của Chính phủ Anh về doanh nghiệp xã hội: “Doanh nghiệp xã hội là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hoá lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”[27,4]. Khái niệm này khá toàn diện, bao quát được những đặc điểm cơ bản nhất của DNXH. Theo đó, các DNXH phải có những đặc điểm cơ bản sau:

– DNXH phải có hoạt động kinh doanh. Cũng giống như bất kỳ doanh nghiệp nào, đã là doanh nghiệp là phải có hoạt động kinh doanh để tạo ra lợi nhuận. Và DNXH cũng phải là một doanh nghiệp tham gia kinh doanh, sản xuất một sản phẩm hay dịch vụ nào đó cung cấp cho thị trường. Vì thế, DNXH cũng phải có mô hình kinh doanh, mục tiêu, chiến lược, chiến thuật kinh doanh cũng như những giải pháp kinh doanh cụ thể. Và tất yếu, cũng như các doanh nghiệp khác, DNXH cũng bị chi phối bởi các quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu của thị trường.

– DNXH luôn đặt mục tiêu xã hội làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp mình. Mục tiêu xã hội này được coi là một sứ mệnh quan trọng và trước tiên trong quá trình hình thành và phát triển của DNXH. Có thể nói, DNXH được thành lập trước tiên vì mục tiêu xã hội. Chính mục tiêu này chi phối hoạt động cũng như cách phân bổ lợi nhuận của doanh nghiệp sau này.

– Lợi nhuận của DNXH được phân phối chủ yếu cho cộng đồng theo những mục tiêu xã hội mà doanh nghiệp đã theo đuổi thay vì phân phối lợi nhuận chủ yếu cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.

Theo tinh thần của khái niệm trên, Luật Doanh nghiệp xã hội của Anh cũng quy định: “DNXH là một tổ chức kinh doanh thực hiện giao dịch để giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện cộng đồng, cơ hội sống của con người hoặc môi trường” [27]. Như vậy, luật này đã giúp phân biệt giữa DNXH và một tổ chức nhân đạo hay thiện nguyện thuần túy. Theo đó, DNXH là một tổ chức kinh doanh hướng vào việc giải quyết các vấn đề xã hội cho nên lợi nhuận là một trong những mục tiêu cần đặt ra cụ thể chứ không như các tổ chức từ thiện, nhân đạo thông thường. Vấn đề chỉ là ở chỗ các DNXH sử dụng và phân phối lợi nhuận đó cho mục đích xã hội, cộng đồng như thế nào.

 Theo Luật Tự nguyện thực hành DNXH của Scotland: “DNXH là một tổ chức kinh doanh chủ yếu thực hiện các mục tiêu xã hội cơ bản trong đó phần thặng dư của chúng được đầu tư vào các mục tiêu xã hội hoặc phục vụ cộng đồng thay vì tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông hoặc chủ sở hữu” [27]. Quan niệm này tiếp cận DNXH dưới góc độ mục tiêu hay bản chất vận hành của các DNXH. Theo đó, DNXH thực hiện hoạt động kinh doanh trên thị trường thông qua mua bán các hàng hóa, dịch vụ nhưng để đạt được lợi ích xã hội, môi trường, lợi nhuận được tái đầu tư vào kinh doanh và cộng đồng hưởng lợi, không phân chia cho các cổ đông, chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư; khi giải thể, tài sản của chúng phải được tái đầu tư cho các tổ chức khác có mục tiêu tương tự, không phải là các tổ chức từ thiện, nhân đạo và cũng không thuộc khu vực công hoặc cho nhánh của một tổ chức công. Như vậy, theo luật này, sứ mệnh cơ bản nhất của DNXH là giải quyết các vấn đề xã hội mặc dù các DNXH đóng vai trò sáng tạo giá trị. Quan niệm này cũng như quan niệm của một số nước có nền kinh tế phát triển cao với các tiêu chí khá chặt chẽ.

 Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD định nghĩa: “DNXH là những tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau vận dụng tinh thần doanh nhân nhằm theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế. DNXH thường cung cấp các dịch vụ xã hội và việc làm cho các nhóm yếu thế ở cả thành thị và nông thôn. Ngoài ra, DNXH còn cung cấp các dịch vụ cộng đồng, trên các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, môi trường” [27, 4]. Với cách hiểu này, DNXH hoạt động trên nhiều lĩnh vực không phân biệt khu vực địa lý và ngành nghề mà quan trọng là vì mục tiêu xã hội, vì sự phát triển bền vững của xã hội, hướng tới giúp đỡ nghề nghiệp, cuộc sống, sự chủ động cuộc sống cho tầng lớp đáy của xã hội.

Download Luận án tiến sĩ ngành Kinh doanh thương mại: Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam (LA05.030)

Một số tổ chức khác cũng có những khái niệm tuy chưa toàn diện nhưng đã chỉ ra bản chất của DNXH:

– Mạng Wikipedia định nghĩa: “DNXH là một tổ chức áp dụng các chiến lược kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu từ thiện. DNXH có thể là một tổ chức vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận” [100].

– Theo “Skoll Centre for social Entrepreneurship” (2011): “DNXH là một cách tiếp cận sáng tạo, có định hướng thị trường để giải quyết những nguyên nhân cơ bản của những vấn đề xã hội và môi trường gay gắt nhất. Nó tạo ra những thay đổi có hệ thống và đưa ra những giải pháp bền vững” [27,6].

Ở Việt Nam:

– Theo Tổ chức hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng – CSIP của Việt Nam thì: “DNXH là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các DNhXH dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể. DNXH lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu xã hội/ môi trường và mục tiêu kinh tế” [27,6].
Đây là một khái niệm khá rộng bởi nó bao hàm nhiều loại hình hoạt động khác nhau đặt mục tiêu xã hội/môi trường lên hàng đầu trong sứ mệnh hoạt động của mình. Điều này khá sát với thực tế khi hiện nay rất nhiều tổ chức hoạt động với tinh thần xã hội nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng. Đó có thể là doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, cũng có thể là các tổ chức thiện nguyện hay nhân đạo…nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng những người yếu thế trong xã hội. Đồng thời, khái niệm đã nhấn mạnh vai trò của DNhXH – những người có thể kết hợp hài hòa sáng kiến xã hội và tinh thần doanh nhân. Chính khái niệm này đã tạo điều kiện để Trung tâm hỗ trợ DNXH CSIP tuyển chọn, ươm tạo và phát triển phong DNXH vốn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đồng thời mở cửa cho các tổ chức hoạt động theo mô hình DNXH chuyển đổi thành DNXH thực thụ. Các tổ chức đó có thể là các quỹ tín dụng vi mô, quỹ từ thiện, hợp tác xã hay các tổ chức xã hội, tổ chức sự nghiệp hoặc các doanh nghiệp dịch vụ công ích trong khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, có thể thấy các tiêu chí chủ đạo để xác định DNXH trong khái niệm này dường như tiếp thu trường phái của OECD khi yêu cầu DNXH phải theo đuổi cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế vẫn là chủ đạo. Khái niệm này khá giống với cách quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 về DNXH sau này.

– Ở Việt Nam, mặc dù đã có rất nhiều tổ chức hoạt động theo mô hình DNXH và đạt được nhiều thành tựu, mang lại lợi ích không nhỏ cho cộng đồng nhưng đến năm 2014, loại hình doanh nghiệp này mới được luật hóa trong Luật Doanh nghiệp 2014. Theo điều 10 của Luật này, DNXH phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây: i) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp; ii) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; iii) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký [17, 6-7].

Như vậy, với khái niệm này, doanh nghiệp xã hội trước hết là một doanh nghiệp. Đó là một tổ chức có tên riêng, có tài sản, trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. DNXH ngoài quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật còn có quyền và nghĩa vụ khác thể hiện những quy định chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp thông thường, đó là:

– Duy trì mục tiêu và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành DNXH hoặc DNXH muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật;

– Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý DNXH được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

– Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

– Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

– Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng đã khẳng định Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy DNXH phát triển [17,7]. Đây là nền tảng quan trọng trong việc phát triển loại hình doanh nghiệp này ở Việt Nam.

Như vậy, theo những quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì DNXH được hiểu là một định chế có nhiều điều kiện ràng buộc nhất định. Nhưng nhìn chung, DNXH được hiểu trước hết là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường nhằm thu được lợi nhuận. Doanh nghiệp này có mục đích và tôn chỉ riêng cho hoạt động kinh doanh của mình, đó là thực hiện các mục tiêu xã hội/ môi trường, vì lợi ích cộng đồng. Sự phân phối lợi nhuận được quy định rõ trong đó 51% sẽ được tái đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu mà doanh nghiệp đã theo đuổi và đăng ký ngay từ đầu thành lập doanh nghiệp. Chính quy định về cam kết phân phối 51% lợi nhuận này là một trong những điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất trong khái niệm về DNXH tại Việt Nam và các quốc gia khác. Nếu khái niệm về DNXH mà các quốc gia và tổ chức trên thế giới đưa ra chỉ tập trung làm rõ bản chất của các DNXH thì khái niệm về DNXH ở Việt Nam đưa thêm một điều kiện ràng buộc đối với các DNXH đăng ký hoạt động theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp về DNXH đó là cam kết chia sẻ một tỷ lệ lợi nhuận nhất định (ít nhất 51%) nhằm tái đầu tư thực hiện các mục tiêu doanh nghiệp đã theo đuổi và đăng ký khi thành lập doanh nghiệp.

Qua đây, có thể dễ dàng nhận thấy những sự khác biệt giữa khái niệm về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam và các nước khác. Điều này thể hiện sự khác biệt trong lối tư duy, quản lý cũng như điều chỉnh hoạt động của các DNXH ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.

Khái niệm Doanh nghiệp xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *