Khu vực công

Tổng quan tài chính và kế toán các đơn vị thuộc khu vực công tại Việt Nam

Tổng quan tài chính và kế toán các đơn vị thuộc khu vực công tại Việt Nam

Theo Hiến pháp năm 2013, khu vực công được hiểu có phạm vi rất rộng (Quốc hội, 2013), gồm có: Một là các cơ quan nhà nước thực thi quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; Hai là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cơ quan nhà nước; Ba là các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội như: Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam,… Như vậy, chúng ta có thể hiểu khu vực công tại Việt Nam thường được gọi là khu vực nhà nước gồm có các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị công khác (Bộ Tài chính, 2018a).

Theo phân cấp quản lý tài chính, các đơn vị công tại Việt Nam được tổ chức theo hệ thống dọc tương ứng với từng cấp ngân sách nhằm phù hợp với công tác chấp hành ngân sách cấp đó, thường gồm: đơn vị dự toán cấp 1, đơn vị dự toán cấp 2 và đơn vị dự toán cấp 3. Trong khu vực công, đơn vị HCSN chiếm tỷ trọng cao nhất về số lượng đơn vị (Nguyễn Thị Thu Hiền, 2015; Tổng Cục Thống Kê, 2018). Đơn vị HCSN là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phi lợi nhuận, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cung cấp các loại hình dịch vụ công cho xã hội. Căn cứ vào đặc điểm quản lý, các đơn vị HCSN được chia làm hai loại là cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Mai Thị Hoàng Minh và cộng sự, 2018). Căn cứ vào mức độ tự chủ, cơ quan hành chính được phân làm hai loại: đơn vị được giao tự chủ kinh phí và không được giao tự chủ kinh phí (Chính phủ, 2005, 2013b); còn đơn vị sự nghiệp công được phân thành 4 loại (Chính phủ, 2015): (1) đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (2) đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (4) đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Luận án Kế toán: Tác động của năng lực kế toán và vai trò lãnh đạo đến chất lượng báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình và thành quả hoạt động trong các đơn vị công tại Việt Nam

Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực công ở Việt Nam tồn tại nhiều chế độ kế toán khác nhau, chẳng hạn (Bộ Tài chính, 2018b): kế toán kho bạc theo Thông tư số 77/2017/TT-BTC; kế toán đơn vị HCSN theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC; kế toán bảo hiểm xã hội theo Thông tư số 102/2018/TT-BTC; kế toán dự trữ quốc gia theo Thông tư số 108/2018/TT-BTC; còn kế toán đơn vị phường, xã được hướng dẫn theo Thông tư số 70/2019/TT-BTC. Trong đó, một bộ phận quan trọng của kế toán công tại Việt Nam là chế độ kế toán HCSN có phạm vi áp dụng nhiều nhất trong số các chế độ kế toán còn lại (Nguyễn Thị Thu Hiền, 2015) đã được Bộ Tài chính sửa đổi lại cho phù hợp hơn với xu hướng quốc tế là vận dụng theo nội dung của IPSAS.

Chế độ kế toán HCSN theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC đã quy ước cách ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế theo cơ sở dồn tích đầy đủ và đưa ra các quy định về lập, trình bày và công khai các loại BCTC nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các nhóm người dùng khác nhau. Hơn nữa, Thông tư 107/2017/TT-BTC cũng phù hợp với các hướng dẫn hiện hành của Luật kế toán năm 2015, Luật NSNN năm 2015, các quy định về cơ chế tài chính áp dụng cho cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tạo được tính thống nhất khi thực hiện (Trần Thị Yến, 2018). Điều này cũng tạo thuận lợi cho quá trình lập BCTC tổng hợp của các đơn vị kế toán nhà nước là đơn vị kế toán cấp trên, tiến tới phục vụ cho việc lập BCTC nhà nước (Bộ Tài chính, 2018a, 2018b).

Tóm lại, những thay đổi gần đây về chế độ kế toán của các đơn vị thuộc khu vực công tại Việt Nam được xem như là một cuộc cải cách tài chính lớn. Cuộc cải cách này dự kiến mang lại những lợi ích như tăng cường tính minh bạch tài chính, nâng cao tính hữu ích của thông tin trên BCTC, tăng tính hiệu quả của hoạt động giải trình, góp phần giảm tình trạng tham nhũng, cuối cùng là gia tăng thành quả hoạt động cho các đơn vị công. Tuy nhiên, quá trình áp dụng các chế độ kế toán mới tại từng đơn vị công dự kiến cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức lớn. Nếu các đơn vị công không nhận thấy và tìm cách khắc phục khó khăn thì mục tiêu cải cách kế toán công nhằm nâng cao chất lượng thông tin trên BCTC của khu vực công sẽ không đạt được như mong đợi của cơ quan ban hành chính sách (Yen và cộng sự, 2019).

Tổng quan tài chính và kế toán các đơn vị thuộc khu vực công tại Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *