Download Luận án Kinh tế Quốc tế: Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế ở một số nước trên thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Luận án có những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn thông qua việc xây dựng chỉ số tổng hợp về nợ công bền vững, từ đó xác định mối quan hệ giữa NCBV và TTKT ở từng nhóm nước theo thu nhập bằng mô hình kinh tế lượng, dựa vào đó rút ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam. Những đóng góp mới của luận án cụ thể như sau:
– Luận án đưa ra một phương pháp mới – phương pháp chỉ số dựa trên chuẩn hóa min – max để đo lường mức độ nợ công bền vững. Phương pháp mới không chỉ đánh giá được hầu hết các tiêu chí thành phần quan trọng của NCBV mà còn lượng hóa được mức độ NCBV của các nước, của các nhóm nước theo thu nhập tại từng thời điểm nhất định.
– Dựa trên chỉ số NCBV, luận án tìm ra mối quan hệ giữa NCBV và TTKT. Đây là một kết quả mới trong nghiên cứu. Các nghiên cứu sau này liên quan đến NCBV có thể sử dụng chỉ số NCBV để tiến hành những mô hình định lượng khác từ đó làm phong phú hơn kiến thức thực tiễn về NCBV.
– Luận án sử dụng mô hình VAR/VECM để đánh giá mối quan hệ giữa NCBV và TTKT, từ đó chỉ ra được tính đặc thù trong mối quan hệ giữa NCBV và TTKT theo từng nhóm nước. Trong cả bốn nhóm nước đều không có quan hệ nhân quả giữa NCBV và TTKT. Nhóm nước có thu nhập cao và nhóm nước có thu nhập thấp chỉ phát hiện ra tác động từ TTKT lên NCBV, trong khi đó nhóm nước thu nhập trung bình cao và trung bình thấp thì chỉ cho thấy tác động từ NCBV lên TTKT. Ở giả thuyết được quan tâm nhất gia tăng NCBV làm gia tăng tăng trưởng, chỉ có số liệu của nhóm thu nhập trung bình cao ủng hộ giả thuyết này với tác động ngay lập tức (sau 1 năm). Ngược lại ở nhóm thu nhập trung bình thấp, gia tăng nợ công bền vững lại có tác động tiêu cực lên TTKT. Ở chiều ngược lại, gia tăng tốc độ TTKT giúp gia tăng NCBV được tìm thấy trong nhóm nước thu nhập cao và thu nhập thấp, tuy nhiên với độ trễ càng xa ở nhóm nước thu nhập cao TTKT lại có tác động tiêu cực lên NCBV.
– Dựa trên mối quan hệ giữa nợ công bền vững và TTKT ở nhóm nước thu nhập trung bình thấp, luận án cũng rút ra một số hàm ý chính sách nhằm giúp Việt Nam gia tăng NCBV nhưng vẫn đảm bảo mối quan hệ hài hòa với TTKT. Cụ thể, Việt Nam nên gia tăng NCBV ở thời kỳ nền kinh tế ổn định, chấp nhận suy giảm NCBV ở thời kỳ suy thoái để chính phủ có không gian thực hiện các chính sách mở rộng nhanh chóng đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Đối với việc gia tăng NCBV, việc nắm được chi tiết giá trị của từng thành phần và đóng góp của từng thành phần vào chỉ số chung sẽ giúp cho chính phủ đưa ra các lựa chọn phù hợp. Với tính hữu dụng của chỉ số, các cơ quan quản lý ngân sách của chính phủ có thể tham khảo chỉ số NCBV (DSI) như một công cụ đáng tin cậy trong quá trình ra quyết định.