Thứ nhất, giá trị của dịch vụ y tế đem lại là sức khoẻ con người.
Giá trị của dịch vụ y tế đem lại cho con người và xã hội chính là sức khoẻ con người. Sức khoẻ là tài sản vô giá, không gì so sánh được đối với mỗi con người và sự phát triển của các quốc gia. Bởi vì, sức khoẻ chính là yếu tố quan trọng tạo nên nhân tố con người – nhân tố quan trọng nhất trong quá trình sản xuất và phát triển của KTXH. Thực tế cho thấy, bệnh tật có thể khiến con người mất khả năng lao động, dẫn đến thất nghiệp, nghèo đói; làm các quốc gia phải đối mặt với những tác động tiêu cực như chậm phát triển, đói nghèo, lạc hậu. Tuy nhiên, bệnh tật có thể được ngăn chặn, đầy lùi bởi DVYT. Ngăn chặn bệnh, giảm bệnh, chữa khỏi bệnh tật cũng chính là vai trò quan trọng của các DVYT. Nếu không có y tế và các DVYT, con người không thể đối phó với bệnh tật, chất lượng cuộc sống của người dân không được đảm bảo. Chính vì vậy, sức khoẻ là giá trị vô giá, không gì so sánh được mà y tế mang lại cho cuộc sống của chúng ta.
Thứ hai, nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ khó đoán trước.
Nhu cầu của con người luôn là vô hạn. Khi đời sống được cải thiện thì nhu cầu về CSSK càng được coi trọng. Hơn nữa, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của KTXH dẫn đến hệ luỵ là ô nhiễm môi trường, bệnh tật xuất hiện càng ngày càng nhiều và có nhiều bệnh mới nguy hiểm. Do đó, nhu cầu về CSSK của người dân là rất lớn, phần lớn các nhu cầu đó khó dự báo được mức độ, kéo theo đó là nhu cầu cung cấp DVYT cũng gia tăng. Nếu như chi phí về cung cấp dịch vụ CSSK là ít so với nguồn thu nhập thì điều này cũng không tác động quan trọng tới sự quan tâm của mọi người. Tuy nhiên, chi phí cho các dịch vụ CSSK là rất lớn trong khi nhu cầu về CSSK lại khó đoán. Do đó, về phía cá nhân và quốc gia cũng gặp khó khăn trong việc chuẩn bị chi phí chi trả cho DVYT đáp ứng nhu cầu CSSK.
Thứ ba, yêu cầu đảm bảo công bằng trong thụ hưởng dịch vụ y tế rất cao.
Công bằng trong y tế được hiểu là công bằng về sức khoẻ. Công bằng về sức khỏe được định nghĩa là “không có sự chênh lệch về sức khỏe giữa các nhóm xã hội có hoàn cảnh thuận lợi so với nhóm có hoàn cảnh thiệt thòi” [82]. Như vậy, xét từ góc độ sức khỏe, công bằng trong y tế được quan niệm là công bằng trong hưởng thụ dịch vụ y tế theo nhu cầu có nghĩa là ai có nhu cầu y tế nhiều thì phải được chăm sóc nhiều, không phụ thuộc vào việc họ có khả năng chi trả nhiều hay ít [68]. Việc hưởng thụ ở đây bao gồm khả năng tiếp cận dịch vụ và chất lượng dịch vụ y tế được hưởng. Chất lượng DVYT bao gồm 2 thành phần: Chất lượng về chuyên môn và chất lượng về dịch vụ. Công bằng y tế đang nhấn mạnh về chất lượng chuyên môn.
Mặt khác, xét từ góc độ thực tiễn, tác động mất công bằng trong tiếp cận DVYT có thể làm ảnh hưởng tới tất cả mọi người bởi bệnh tật không trừ một ai. Thực tế cho thấy những tác động tiêu cực của các bệnh như lao, HIV/AIDS, gần đây là Covid-19… đều tác động đến mọi người. Do đó, nếu sự mất công bằng trong CSSK xảy ra sẽ dẫn đến giảm sút sức lao động, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững của đất nước. Một quốc gia không thể phát triển khi có một nửa dân số khoẻ mạnh và một nửa dân số bệnh tật. Do đó, yêu cầu đảm bảo công bằng thụ hưởng các DVYT là một sự cần thiết mà các quốc gia cần quan tâm trong sự phát triển chung của đất nước.
Thứ tư, thông tin không cân xứng.
Thông tin không cân xứng là đặc điểm nổi bật, dễ dàng nhận thấy đối với thị trường cung cấp DVYT. Khi người mua (người bệnh) mua DVYT, họ có rất ít thông tin về dịch vụ này. Thông tin về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân, phác đồ điều trị, chi phí điều trị là do người bán (bác sĩ, cơ sở KCB) cung cấp. Chính vì vậy, nếu chỉ dựa vào thông tin mà người mua có thì họ không thể tự đưa ra quyết định về việc lựa chọn, sử dụng DVYT nào, chi phí bao nhiêu. Như vậy, vô hình chung, người mua đã trao cho người bán “quyền lựa chọn” hàng hoá của mình. Thực tế, hầu hết các quyết định về sử dụng DVYT (cụ thể là trong KCB) của người mua phụ thuộc gần như hoàn toàn vào những thông tin mà bên bán cung cấp. Đây chính là sự mất cân xứng về thông tin trong thị trường cung cấp DVYT. Điều này có thể gây tốn kém cho người mua, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lạm dụng trong y tế nhằm làm tăng lợi ích, quyền lợi của bên cung cấp DVYT. Bên cung cấp dịch vụ có thể tư vấn, chỉ định thậm chí quyết định những dịch vụ có lợi cho mình, đôi khi là thừa với người mua. Kết quả là gây ra không chỉ tốn kém về chi phí đối với người mua, mà còn làm giảm tính kinh tế và tính hiệu quả khi sử dụng hàng hoá [32].
Thứ năm, chi phí DVYT có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân đầu tiên của việc chi phí DVYT tăng là do tâm lý lạm dụng bởi bên cung và cầu tạo ra khi đã có bên thứ ba chi trả chi phí y tế. Hiện tượng này thường xuất hiện trên các thị trường BHYT hay KCB không mất tiền. Cụ thể, phía cung biết rằng chi phí sẽ do BHYT chi trả nên họ có thể gây ra gia tăng chi phí bởi các điều trị như sử dụng thuốc đắt tiền hay phương tiện kỹ thuật hiện đại không cần thiết [26]. Ngoài ra, y học phát triển, đời sống của con người ngày càng được cải thiện. Các loại thuốc mới, máy móc, trang bị thiết y tế hiện đại ra đời đã góp phần hỗ trợ tích cực trong việc CSSK cho người dân. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí sử dụng cho một đơn vị DVYT. Chi phí DVYT có xu hướng gia tăng cũng là một áp lực không chỉ đối với người dân và ngay cả đối với Nhà nước trong việc cung ứng DVYT cho xã hội.
Nguồn: Luận án tiến sĩ “Quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho y tế ở Việt Nam“