1/ Thông tin bài báo
- Tên bài báo: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ NẤM RỄ NỘI CỘNG SINH Ở VIỆT NAM
- Tác giả: Trần Hoàng Siêu
- Số trang: 221-234
- Năm: 2022
- Nơi xuất bản: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ
- Từ khoá: Tình hình nghiên cứu, ứng dụng nấm rễ nội cộng sinh, Việt Nam, vùng rễ
2/ Nội dung chính
Bài báo tổng quan về tình hình nghiên cứu nấm rễ nội cộng sinh (AMF) tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của AMF trong nông nghiệp bền vững và xử lý môi trường. AMF tạo mối quan hệ cộng sinh với hầu hết thực vật cạn và cây lúa, hỗ trợ cây trồng hấp thụ nước, dinh dưỡng khoáng, hạn chế kim loại nặng, tăng sức chống chịu với điều kiện bất lợi, từ đó tăng năng suất. Nghiên cứu về AMF ngày càng tăng ở Việt Nam, tập trung vào các ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất phân bón sinh học, giảm phụ thuộc phân hóa học. Bài viết cũng chỉ ra các hướng nghiên cứu mới nhằm khai thác triệt để tiềm năng của AMF trong điều kiện biến đổi khí hậu và suy thoái tài nguyên đất hiện nay.
Tình hình nghiên cứu AMF tại Việt Nam có xu hướng tăng từ năm 2006-2021, đặc biệt bùng nổ ở giai đoạn 2016-2021. Các nghiên cứu chủ yếu được công bố trên các tạp chí nông nghiệp trong nước, trong đó Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có số lượng bài báo lớn nhất. Tiềm năng ứng dụng của AMF được thể hiện rõ qua khả năng kích thích sinh trưởng cây trồng, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, giảm lượng phân bón đầu vào và tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Cơ chế hấp thụ dinh dưỡng của AMF thông qua hai con đường chính là trực tiếp và gián tiếp, trong đó strigolatones đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích nấm và hình thành mối quan hệ cộng sinh. Tuy nhiên, một số hạn chế trong nghiên cứu là cơ chế hấp thụ dinh dưỡng vẫn chưa được giải thích rõ, đặc biệt trong điều kiện ngoài đồng ruộng, đòi hỏi cần có nghiên cứu sâu hơn về chất mang để ổn định sinh trưởng của AMF.
Ngoài ra, bài báo còn đề cập đến tiềm năng của AMF trong sản xuất phân bón sinh học, một trong những ưu tiên hàng đầu của tiểu vùng sông MeKong. Các phương pháp nhân giống AMF được so sánh chi tiết, bao gồm bẫy đất, thủy canh/khí canh và nuôi cấy in vitro. Các kỹ thuật này đều có ưu nhược điểm riêng, đòi hỏi các nghiên cứu cần tiếp tục cải tiến để tạo ra các sản phẩm phân bón sinh học chất lượng cao. Bên cạnh đó, bài báo cũng đánh giá đa dạng cộng đồng AMF tại Việt Nam, chỉ ra các chi phổ biến như Glomus, Acaulospora, Gigaspora và Entrophospora. Các nghiên cứu đã ghi nhận sự hiện diện của AMF trong điều kiện ngập nước của cây lúa, tuy nhiên cơ chế tồn tại của AMF trong điều kiện yếm khí vẫn cần được làm rõ. Cuối cùng, vai trò của AMF trong xử lý ô nhiễm kim loại nặng cũng được đề cập, với những kết quả đầy hứa hẹn trong việc loại bỏ kim loại nặng khỏi môi trường.