Quản lý thuế là hoạt động của Nhà nước mà cơ quan thuế là đại diện để tổ chức, xây dựng chiến lược và điều hành hệ thống thuế nhằm động viên nguồn thu từ thuế vào NSNN theo những quy định của pháp luật về thuế và đảm bảo lợi ích hợp pháp của các đối tượng nộp thuế.
Quản lý thuế có những nguyên tắc cơ bản như sau:
Thứ nhất, Quản lý thuế phải phù hợp với mục tiêu, đường lối phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong từng thời kỳ nhất định.
Quản lý thuế ở mọi quốc gia đều hướng đến kiểm soát nguồn thu từ thuế nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu công, dựa trên yêu cầu của phát triển kinh tế mà chính sách thuế hướng đến việc tăng số thu đảm bảo tài trợ các khoản chi cần thiết mà không cần tăng các khoản nợ công. Tuy nhiên, việc tăng thu phải đảm bảo tính trung lập của các sắc thuế là không được bóp méo các hoạt động sản xuất với mức thuế suất cao bất hợp lý, mà phải tạo động lực khuyến khích cho sự phát triển kinh tế, dẫn tới phúc lợi xã hội của nền kinh tế được cải thiện và hướng đến phát triển bền vững. Xét ở góc độ vĩ mô, gánh nặng thuế của mỗi quốc gia rất đa dạng về tỷ lệ thuế/GDP cộng với sự đa dạng trong cấu trúc thuế trực thu và gián thu có nghĩa là có một gánh nặng QLT khác nhau và sự quan tâm chú trọng đến hoạt động QLT cũng khác nhau giữa các nước. Theo báo cáo nghiên cứu chưa được công bố của Oxfam (2017), các quốc gia ở châu Á sẽ phải tăng cường nguồn thu từ thuế hiện nay ở mức dưới 20% lên tương đương 20% đến 30% GDP để có thể có đủ kinh phí triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, trong khi đó giữa các quốc gia vẫn phải có các chính sách thu hút các nhà đầu tư với cuộc đua xuống đáy về thuế TNDN (năm 2003 mức thuế suất biên cao nhất trung bình áp dụng đối với thu nhập doanh nghiệp là 31,3%, thì đến năm 2017 chỉ còn 21,4%), do đó nguồn thu ngân sách tiềm năng từ thuế giảm. Để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách khi giảm thuế TNDN thì các chính phủ lại đứng trước sức ép phải tăng những loại thuế gián tiếp (như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt), nhưng đó lại là nguyên nhân trực tiếp làm giảm sức mua của thị trường, và sẽ tạo gánh nặng cho người nghèo do phải chịu phần lớn gánh nặng về thuế, và do vậy, các mục tiêu phát triển bền vững mà các chính phủ đặt ra sẽ khó lòng mà đạt được. Điều đó cho thấy mỗi quốc gia sẽ phải tìm kiếm phương thức QLT phù hợp nhằm tăng thu từ thuế, để có thể thực hiện các mục tiêu, đường lối phát triển kinh tế xã hội của mình.
Xem thêm: Khái niệm về quản lý thuế
Thứ hai, Quản lý thuế phải được thực hiện thống nhất theo quy định của hệ thống pháp luật về thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế và các hiệp định về thuế quan đã tham gia ký kết.
Tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế được hiểu là sự phù hợp, sự đồng bộ, không mâu thuẫn ngay trong các quy định của luật (Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TNCN…) với luật hình thức về thuế (Luật QLT), cũng như giữa nó với các pháp luật chuyên ngành như Luật Kế toán, Luật Thương mại, Luật Bất động sản… và việc nội luật hóa hiệu lực pháp lý các điều ước quốc tế mà quốc gia đó tham gia bằng cách ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về thuế, đồng thời phải đảm bảo tính thứ bậc của hệ thống văn bản pháp luật, phù hợp với Hiến pháp. Nó là cơ sở để CQT hướng dẫn thống nhất hành vi của các doanh nghiệp khi tham gia vào các quan hệ pháp luật về thuế, tạo lập trật tự, tránh được việc các doanh nghiệp lựa chọn hành vi nào có lợi cho mình, tạo nên sự xung đột, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật về thuế có tính định hướng và điều tiết quan trọng nhất, được qui định bởi Hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nó tạo tiền đề để điều chỉnh các quan hệ trong sản xuất kinh doanh, duy trì quá trình phát triển ổn định và lâu dài của mỗi nền kinh tế, từ đó nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, nó tạo cơ chế pháp lý phù hợp nhằm đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ về thuế giữa các chủ thể trong nền kinh tế (không hạn chế phạm vi quốc gia) trong nền kinh tế thị trường. Nhưng nó lại là bộ phận năng động nhất, có độ nhạy cảm cao trước những biến động chính sách về cơ cấu kinh tế, kinh tế đối nội, đối ngoại của quốc gia, khu vực, và phạm vi toàn cầu. Do đó, để QLT hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của mỗi Chính phủ phù hợp với chính sách kinh tế mở cửa, thực hiện hội nhập của nền kinh tế thế giới thì QLT phải được quan tâm đúng mức, đáp ứng kịp thời với những thay đổi để thích ứng với các chuẩn mực quốc tế mới phát sinh, xuất hiện trong quá trình phát triển, như thuế trùng, giá chuyển nhượng, cạnh tranh thuế, các vấn đề về bảo hộ thuế… và cơ cấu nguồn thu từ thuế cũng cần thay đổi theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, vấn đề tăng cơ cấu thu nội địa để phù hợp với yêu cầu của hội nhập về cắt giảm thuế quan theo cam kết và tuân theo các nguyên tắc quốc tế tại các hiệp định song phương, đa phương khi nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, thị trưởng trong nước phải mở cửa.
Thứ ba, Quản lý thuế bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng nộp thuế; bảo đảm môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công khai, minh bạch, bình đẳng về thuế là nguyên tắc mang giá trị phổ quát mà hầu hết các quốc gia đều qui định trong Hiến pháp nhằm hướng đến xã hội ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Thông qua nguyên tắc này, đối tượng nộp thuế được phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, và có thể tiếp cận được chính sách, qui định của nhà nước về thuế một cách dễ dàng, không khuất tất, không rắc rối, và nó được đảm bảo trước hết với điều kiện pháp luật về thuế phải phải rõ ràng, dễ hiểu, và đặc biệt không phân biệt đối xử. Từ đó, đối tượng nộp thuế được pháp luật đối xử bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi về thuế, mang lại sự công bằng về thuế. Như vậy, bình đẳng về thuế được xem là hạt nhân cho công bằng về thuế, công bằng trong nguyên tắc bình đẳng được thể hiện là sự đối xử như nhau đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có tình trạng và khả năng nộp thuế ngang nhau (công bằng ngang), không như nhau đối với những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có tình trạng và khả năng đóng thuế khác nhau (công bằng dọc), và cả ở khía cạnh khả năng đóng thuế theo những tỉ lệ tương ứng với những giá trị lợi ích mà họ nhận được từ các dịch vụ vụ, từ những tiềm năng trong tương lai mà nhà nước sẽ cung cấp, và họ chỉ đóng thuế theo những điều kiện thực tiễn hiện có của họ. Với nguyên tắc này, QLT sẽ là phù hợp, QLT sẽ thể hiện được quan điểm nhân văn, mang tính dân chủ của chính sách thuế, quan trọng vẫn tránh được tình trạng tận thu thuế, đồng thời sẽ thôi thúc nhà nước phải chú ý nhiều hơn đến các vấn đề về xã hội, cung ứng các hàng hóa công, cung cấp các lợi ích công cộng tương ứng với sự đóng góp của đối tượng nộp thuế. Nó là sự bảo đảm môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh của nhà nước, thỏa mãn trực tiếp mục đích tìm kiếm lợi nhuận cao nhất từ kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Nguyên tắc QLT là hệ thống những qui định pháp luật về thuế dùng làm cơ sở cho các mối quan hệ kinh tế – xã hội không giới hạn phạm vi quốc gia giữa CQT với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế khi thực thi hoạt động thu thuế cho NSNN.
Nguồn: Luận án tiến sĩ “Quản lý thuế đối với các doanh nghiệp khu vực tư nhân – Nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hà Nội“