Nhìn chung, văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người với xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa, được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người, là trình độ phát triển của con người và của xã hội biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà con người tạo ra.
Ở phương Tây trong thời cận hiện đại, khái niệm “văn hóa” được sử dụng phổ biến để chỉ trình độ học vấn, học thức, tri thức, phép lịch sự. Do nhu cầu phản ánh các hoạt động xã hội, khái niệm này đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Ở phương Đông, khái niệm “văn hóa” được mở rộng vào đời sống tinh thần chỉ các phong tục, tập quán, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, nhân cách, sáng tạo nghệ thuật. Cho đến nay có nhiều cách tiếp cận văn hóa theo những quan điểm khác nhau [1; tr 213].
Về nghĩa gốc, dù theo quan niệm phương Tây hay phương Đông, văn hóa gắn liền với giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, đào tạo con người, một tập thể người để cho họ có phẩm chất tốt đẹp, cần thiết cho toàn thể cộng đồng [2; tr 19].
Xem thêm: Thực trạng văn hóa nhà trường ở các trường mầm non công lập tại Thành Phố Tân An, Tỉnh Long An
Qua thời gian và không gian, trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu, người ta đã đưa ra những định nghĩa về văn hóa khác nhau.
Tác phẩm nổi tiếng “Văn hóa nguyên thủy” của Tylor (1871) trình bày khái niệm “Văn hóa là tổ hợp các tri thức, niềm tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và toàn bộ các khả năng và thói quen khác mà con người với tư cách là thành viên của xã hội tiếp thu được” [3; tr 1]; và trong công trình nghiên cứu “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, tác giả Trần Ngọc Thêm (2001) đã đưa ra định nghĩa văn hóa: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các
giá trị (vật chất và tinh thần, tĩnh và động, vật thể và phi vật thể …) do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [4; tr 25].
Trong giáo dục, “Nhà trường là một tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp có tính đặc thù trong giáo dục và đào tạo con người, tạo ra nguồn nhân lực hữu ích cho xã hội, đất nước” [5]. Theo tác giả Vũ Thị Quỳnh (2018), “Nhà trường có thể coi là một thiết chế tổ chức chuyên biệt trong hệ thống tổ chức xã hội, đóng vai trò tái tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự duy trì và phát triển của xã hội” [6; tr 17]. Do vậy, nhà trường là đơn vị cơ sở nằm trong hệ thống giáo dục và để tiến hành quá trình giáo dục đào tạo nhà trường là một thiết chế đặc biệt của xã hội, thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội, đào tạo các công dân cho tương lai. Trường học với tư cách là một tổ chức giáo dục cơ sở vừa mang tính giáo dục vừa mang tính xã hội, trực tiếp đào tạo thế hệ trẻ, là “tế bào” quan trọng của bất kì hệ thống giáo dục nào từ Trung ương đến địa phương.
Tương tự như định nghĩa “văn hóa”, mỗi tác giả có cách tiếp cận và nghiên cứu Văn hóa nhà trường khác nhau. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là văn hóa tổ chức trong một cơ sở giáo dục với các hệ thống giá trị khác nhau.
Peterson (2009) định nghĩa: “Văn hóa nhà trường là tập hợp các chuẩn mực, giá trị và niềm tin, các nghi lễ và nghi thức, các biểu tượng và truyền thống tạo ra “vẻ bề ngoài” của nhà trường” [7; tr 8]. Theo Đỗ Tiến Sỹ (2016): “Văn hóa nhà trường được coi là hệ thống các giá trị về tinh thần, vật chất, thể hiện niềm tin, sự đánh giá về các chuẩn mực, sự kì vọng về các sứ mệnh, tầm nhìn, kết quả đạt được của nhà trường” [5]. Theo Vũ Thị Quỳnh (2018): “Văn hóa nhà trường là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần tồn tại trong nhà trường làm cho nhà trường có những nét riêng biệt, khác biệt để phân biệt nhà trường này với nhà trường khác. Nó bao gồm từ bầu không khí nhà trường, các giá trị tồn tại trong các hoạt động giảng dạy, giáo dục, môi trường cảnh quan, cơ sở vật chất đến niềm tin, sự kì vọng của từng cá nhân…” [6; tr 18].
Từ những định nghĩa trên, có thể rút ra những đặc điểm cơ bản trong định nghĩa Văn hóa nhà trường bao gồm: Văn hóa nhà trường là một tập hợp các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử…; Văn hóa nhà trường là những nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự khác biệt của nhà trường với các tổ chức khác và sự khác biệt giữa trường này với trường khác; Văn hóa nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường; VHNT là những giá trị tốt đẹp được hình thành bởi một tập thể và được mỗi cá nhân trong nhà trường chấp nhận; VHNT tốt hướng tới chuẩn chất lượng cao.