Chất lượng báo cáo tài chính

Chất lượng báo cáo tài chính

Trong khu vực công, khi nói đến chất lượng báo cáo tài chính thì phần lớn các nhà nghiên cứu đề cập đến các đặc tính chất lượng của báo cáo tài chính theo quan điểm của IPSASB (2013). Theo đó, các đặc tính chất lượng của BCTC là những thước đo thực sự về chất lượng cảm nhận của thông tin kế toán (Afiah và Azwari, 2015; Cohen, S. và Karatzimas, 2017; Mardinan và cộng sự, 2018). Hơn nữa, Cohen, S. và Karatzimas (2017) nhận thấy cả bốn cơ quan thiết lập CMKT quốc tế cho khu vực công, gồm Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Chính phủ (GASB) tại Hoa Kỳ, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Úc (AASB), Viện Kế toán Công chứng Canada (CICA) và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán công quốc tế (IPSASB) đều đồng ý rộng rãi về sáu đặc tính chất lượng của BCTC là tính thích hợp, tính đáng tin cậy, tính kịp thời, tính có thể hiểu được, tính có thể so sánh và tính có thể kiểm chứng. Cụ thể, IPSASB (2013, 2018a) nhấn mạnh rằng chất lượng báo cáo tài chính là các thuộc tính làm cho thông tin trong BCTC thật sự hữu ích đối với người dùng và hỗ trợ khả năng đạt được các mục tiêu của báo cáo tài chính. Và mục tiêu của BCTC trong khu vực công là cung cấp thông tin hữu ích cho các mục đích đánh giá trách nhiệm giải trình và ra quyết định của người sử dụng. Tổng quát hơn, IPSASB (2013, 2018a) đã chia các đặc tính chất lượng của BCTC thành 2 nhóm: đặc tính chất lượng nền tảng gồm tính thích hợp và đáng tin cậy; còn đặc tính chất lượng bổ sung gồm tính kịp thời, có thể hiểu được, có thể kiểm chứng, có thể so sánh. Theo đó, Cohen, S. và Karatzimas (2017) đã chỉ rõ đặc tính chất lượng nền tảng là những đặc tính làm cho thông tin BCTC đảm bảo tính hữu ích khi sử dụng, còn đặc tính chất lượng bổ sung giúp thông tin BCTC tăng cường sự hữu ích khi sử dụng. Cụ thể, các đặc tính chất lượng BCTC theo IPSASB (2013, 2018a) được phân tích như sau:

– Thông tin tài chính và thông tin phi tài chính có tính thích hợp nếu có thể tạo được sự khác biệt trong việc đạt được các mục tiêu của BCTC. Theo đó, thông tin kế toán có thể tạo ra sự khác biệt khi nó có giá trị xác nhận (phản hồi), giá trị dự đoán, hoặc cả hai, đây được xem là đặc tính chất lượng nền tảng. Thông tin trên BCTC có giá trị xác nhận nếu nó xác nhận các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ (hoặc hiện tại). BCTC mục đích chung có thể đưa ra thông tin về các hoạt động, mục đích và chi phí của các hoạt động cung cấp dịch vụ trong tương lai của tổ chức, số tiền và nguồn hình thành của các nguồn lực được phân bổ để cung cấp các dịch vụ trong tương lai. Những thông tin theo định hướng tương lai sẽ có giá trị tiên đoán. Ngoài ra, thông tin liên quan đến các hiện tượng kinh tế và các hiện tượng khác đã tồn tại hoặc đã xảy ra cũng có thể có giá trị tiên đoán trong việc giúp hình thành kỳ vọng về tương lai.

Luận án Kế toán: Tác động của năng lực kế toán và vai trò lãnh đạo đến chất lượng báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình và thành quả hoạt động trong các đơn vị công tại Việt Nam

– Tính đáng tin cậy/trình bày trung thực được xem là đặc tính chất lượng nền tảng để đảm bảo thông tin BCTC thật sự hữu ích cho người dùng. Theo đó, thông tin phải trình bày trung thực các hiện tượng kinh tế và các hiện tượng khác mà nó nhằm mục đích đại diện. Trình bày trung thực đạt được khi mô tả hiện tượng này là toàn diện, không thiếu sót (đầy đủ), trung lập và nó không được có các sai sót trọng yếu. Việc bỏ sót một vài thông tin có thể làm hiện tượng kinh tế hoặc các hiện tượng khác là không đúng hoặc gây ra sự hiểu nhầm ý nghĩa; Do đó, nó sẽ không có hữu ích đối với người dùng BCTC. Tính trung lập trong BCTC là sự vắng mặt của sự thiên vị, biểu thị cho tính khách quan. Thông tin không có sai sót trọng yếu không đồng nghĩa với việc thông tin đó là chính xác toàn bộ trên mọi khía cạnh. Theo đó, thông tin là trọng yếu nếu như xác định sai hoặc bỏ sót nó sẽ ảnh hưởng đến quyết định hoặc nhận định đánh giá của người sử dụng thông tin trong báo cáo kế toán.

– Tính có thể hiểu được là đặc tính chất lượng bổ sung của thông tin trên BCTC cho phép người dùng dễ dàng hiểu được ý nghĩa mà thông tin cung cấp và có thể giải thích nó một cách tương đối. Để đảm bảo tính có thể hiểu được thì BCTC cho mục đích chung của các đơn vị trong khu vực công phải trình bày thông tin theo cách phù hợp với nhu cầu và cơ sở tri thức của người sử dụng và tính chất của các thông tin được trình bày. Tính có thể hiểu được của BCTC sẽ được tăng cường khi thông tin được phân loại, mang tính đặc trưng, trình bày rõ ràng và súc tích. Hơn nữa, để thông tin trình bày trên BCTC là có thể hiểu được thì người sử dụng báo cáo tài chính cũng cần phải có kiến ​​thức cơ bản về các hoạt động của tổ chức và môi trường hoạt động.

– Tính kịp thời cũng được nhận định là một đặc tính chất lượng bổ sung của thông tin trong BCTC, được hiểu theo nghĩa là thông tin có sẵn cho người dùng trước khi thông tin mất đi tính hữu ích của nó cho các nhu cầu sử dụng thông tin của người dùng. Việc đơn vị công cung cấp báo cáo tài chính nhanh hơn so với quy định có thể giúp tăng cường tính hữu ích của thông tin.

– Khả năng so sánh là một đặc tính chất lượng bổ sung của thông tin, nó cho phép người dùng BCTC xác định được sự tương đồng và sự khác biệt giữa hai hay nhiều sự kiện liên quan. Khả năng so sánh không phải là chất lượng của một mục thông tin cá nhân, mà là chất lượng của mối quan hệ giữa hai hoặc nhiều thông tin. Sự hữu ích của thông tin được tăng cường nếu nó có thể được so sánh với thông tin tài chính cũng như thông tin phi tài chính tiềm năng được trình bày cho kỳ báo cáo trước đó; Hoặc thông tin tương tự về cùng một chủ thể cho một khoảng thời gian khác hoặc một số điểm khác trong thời gian; Và thông tin tương tự về các chủ thể khác, ví dụ các đơn vị công cung cấp các dịch vụ tương tự ở khu vực khác nhau, trong cùng kỳ báo cáo.

– Tính kiểm chứng được (khả năng xác minh) là đặc tính chất lượng bổ sung của thông tin giúp người sử dụng đảm bảo rằng thông tin trong BCTC đại diện trung thực cho các hiện tượng kinh tế mà nó ngụ ý để đại diện. Việc kiểm chứng có thể được thực hiện bằng xác nhận trực tiếp hoặc gián tiếp và sẽ có giá trị hơn nếu được thực hiện bởi một đơn vị chuyên nghiệp, độc lập và có uy tín.

Tại Việt Nam, theo Luật kế toán số 88/2015/QH13 không có mục riêng để nêu các đặc tính có liên quan đến chất lượng BCTC, tuy nhiên có thể thấy những đặc tính về chất lượng BCTC được liệt kê tại mục các yêu cầu kế toán (Chính phủ, 2016; Quốc hội, 2015a) như: các yêu cầu về cung cấp thông tin kế toán cần đầy đủ, rõ ràng, chính xác, trung thực, kịp thời, có thể hiểu được. Ngoài ra, theo chế độ kế toán HCSN ban hành năm 2017 thì chất lượng BCTC được hiểu như là các yêu cầu kế toán cụ thể đặt ra cho BCTC như là (Bộ Tài chính, 2017): báo cáo tài chính phải được phản ánh một cách chính xác, trung thực, mang tính khách quan và có hệ thống về nội dung; BCTC phải được trình bày rõ ràng, có thể hiểu được, lập và nộp kịp thời, đúng thời gian quy định, có thể so sánh. Do đó, có thể thấy rằng các đặc tính về chất lượng báo cáo tài chính theo các quy định pháp lý hiện hành tại Việt Nam cũng tương đồng với các đặc tính chất lượng báo cáo tài chính theo quan điểm của IPSASB. Theo đó, chất lượng BCTC có thể đạt được bằng cách tuân thủ các đặc tính chất lượng nền tảng và đặc tính chất lượng bổ sung của thông tin trong BCTC (Bukenya, 2014; Jonas và Blanchet, 2000; Korutaro Nkundabanyanga và cộng sự, 2013). Trong phạm vi luận án, tác giả đánh giá chất lượng BCTC dựa theo quan điểm IPSASB (2013, 2017a, 2018a), tức là dựa vào đặc tính chất lượng nền tảng gồm tính thích hợp, tính đáng tin cậy và các đặc tính chất lượng bổ sung gồm có tính có thể hiểu được, có thể so sánh, kịp thời, có thể kiểm chứng được.

Chất lượng báo cáo tài chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.