Nền kinh tế xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững: Phát triển bền vững đòi hỏi sự tiến bộ và tăng cường của các yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường nên chuyển đổi sang nền kinh tế xanh có thể là một động lực quan trọng trong quá trình này.
Trong nền kinh tế xanh, môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị và đem lại sự ổn định, thịnh vượng lâu dài. Đối với một bộ phận người dân có mức sống dưới mức nghèo khổ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, và dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, do đó, việc hướng tới nền kinh tế xanh góp phần cải thiện công bằng xã hội, và được xem như là một hướng đi tốt để phát triển bền vững.
Quá trình hướng tới nền kinh tế xanh tại các quốc gia phụ thuộc vào các yếu tố về vị trí địa lý tài nguyên thiên nhiên và tiềm lực con người – xã hội, cũng như giai đoạn phát triển kinh tế. Nhưng những nguyên tắc quan trọng bao gồm đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái thì vẫn luôn luôn không thay đổi.
Bên cạnh đó, nền KTX có thể giúp xoá đói giảm nghèo: Nền kinh tế xanh sẽ tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận được với hạ tầng cơ sở cơ bản, như điện, nước, công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các chính sách hỗ trợ năng lượng sẽ đóng góp đáng kể cho việc cải thiện đời sống và sức khỏe cho một bộ phận người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là cho những người đang không có khả năng tiếp cận với năng lượng.
Nền kinh tế xanh có thể tạo ra việc làm trong các ngành, lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, giao thông công cộng, tái chế… Tuy nhiên, để nền kinh tế xanh có thể tạo thêm việc làm thì cần phải có sự phối hợp các chính sách xã hội, chính sách môi trường và chính sách kinh tế. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần phải chú trọng vào việc đầu tư những kỹ năng mới hay chính sách cần thiết để điều chỉnh việc làm trong các lĩnh vực chủ chốt như năng lượng và giao thông vận tải.
Nền kinh tế xanh bảo vệ sự đa dạng sinh học: Suy giảm đa dạng sinh học làm giảm phúc lợi của một bộ phận dân số thế giới, trong khi một bộ phận dân số khác gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn vì đói nghèo. Nếu tình trạng này tiếp tục, nó có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của các hệ sinh thái điều hoà khí hậu trong dài hạn và có thể dẫn đến những biến đổi không thể lường trước và có thể không đảo ngược trong hệ thống trái đất và những thay đổi trong các dịch vụ hệ sinh thái. Hơn nữa, hệ sinh thái là nguồn cung chủ yếu các nguyên liệu phục vụ cho phát triển kinh tế.
Nguồn: Luận án tiến sĩ “Chính sách tài chính hướng tới nền kinh tế xanh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam“