xuất khẩu thuỷ sản

Khái niệm xuất khẩu thủy sản

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ăngghen đã luận giải một cách khoa học về tính tất yếu của quốc tế hóa kinh tế. Trong lời tựa xuất bản năm 1883 viết cho bản tiếng Đức, C. Mác và Ăngghen đã viết: “Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới, thị trường mà việc tìm ra châu Mỹ đã chuẩn bị sẵn” [75].

Quá trình quốc tế hoá kinh tế đã có những tiền đề khách quan từ rất sớm, bắt đầu từ sự phát triển của mạng lưới giao thông vận tải thế giới đã mở ra cơ hội cho quá trình này. Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất và xã hội hoá của sản xuất là một trong những nhân tố thúc đẩy sự ra đời của toàn cầu hoá kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế mang tính quốc tế. Nhiều ngành công nghiệp không dùng những nguyên liệu bản xứ, mà dùng những nguyên liệu được đưa từ những miền xa xôi nhất đến và sản phẩm làm ra còn được tiêu thụ ở tất cả các nơi… Điều đó đã nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những nơi xa xôi về. Bởi vậy, tình trạng biệt lập của các dân tộc theo hướng tự cung, tự cấp trước kia đã từng bước được thay thế bằng quan hệ qua lại giữa các quốc gia dân tộc.

Phát triển quan điểm của C.Mác và Ăngghen về chủ nghĩa tư bản (CNTB) trong giai đoạn CNTB độc quyền. V.I.Lênin cho rằng các các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) từ cuối thế kỷ XIX bắt đầu xuất hiện tình trạng sản xuất hàng hóa dư thừa ở thị trường trong nước do nhu cầu hạn chế bởi thu29

nhập của người lao động thấp nên họ phải tìm các thị trường ngoài khu vực. Hơn nữa các nhà tư bản châu Âu sau một giai đoạn phát triển tương đối dài đã tích lũy được nhiều tư bản và độc quyền trong nhiều lĩnh vực của thị trường nội địa nên việc tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ở đó ngày càng ít hiệu quả trong bối cảnh mức cung đã vượt qua nhu cầu, do đó họ phải bành trướng thế lực thông qua xuất khẩu tư bản ra nước ngoài để kiếm lợi nhuận nhiều hơn.

 Vận dụng sáng tạo lý luận của C. Mác, Ăngghen và V.I.Lênin, ngay từ những ngày đầu mới tuyên bố độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tư tưởng mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong “Lời kêu gọi Liên Hiệp quốc tháng 12 năm 1946”, Người nhấn mạnh:

 Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài cǎn cứ hải quân và không quân [70].

 Trong thời kỳ đổi mới, tư tưởng về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung về xuất khẩu hàng hóa nói riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước vận dụng khá toàn diện và được cụ thể hóa thông qua các chủ chương, chính sách và luật định. Cụ thể:

 Theo Điều 28, Khoản 1 của Luật Thương mại được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành số 36/2005/QH11, ngày 14 tháng 6 năm 2005: Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật [91].

Xuất khẩu hàng hóa là một bộ phận của thương mại quốc tế, là hoạt động đưa các hàng hóa hay dịch vụ từ một quốc gia bán ra bên ngoài quốc gia đó nhằm mục đích tìm kiếm lợi ích nói chung và lợi nhuận nói riêng. Xuất khẩu hàng hóa phản ánh mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia trong phạm vi khu vực và thế giới. Do những điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau nên một quốc gia có lợi thế về lĩnh vực này nhưng lại bất lợi về lĩnh vực khác, xuất khẩu hàng hóa nhờ đó mang đến cơ hội khai thác tối đa những tài nguyên vốn có của quốc gia. Khi việc trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia đều có lợi thì các quốc gia đều tích cực tham gia mở rộng hoạt động này. Xuất khẩu là khâu cuối cùng tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng hóa.

Như vậy, xuất khẩu hàng hóa được hiểu là hoạt động trao đổi hàng hoá và dịch vụ của một quốc gia với phần còn lại của thế giới thông qua trao đổi, mua bán hàng hóa nhằm khai thác triệt để lợi thế của quốc gia trong phân công lao động quốc tế.

Nếu không tính đến xuất khẩu các dịch vụ thì xuất khẩu hàng hóa chủ yếu là xuất khẩu những sản phẩm hữu hình được sản xuất hoặc gia công tại các cơ sở sản xuất, chế biến hoặc các khu chế xuất nhằm mục đích để tiêu thụ tại nước ngoài. Chủ thể thực hiện xuất khẩu hàng hóa có thể là Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Đối tượng của xuất khẩu hàng hóa là các loại hàng hóa hữu hình được sản xuất ra ở trong nước.

Thuỷ sản là một trong những ngành tạo ra và cung cấp các sản phẩm thủy sản tiêu dùng trực tiếp cho con người. Thủy sản theo nghĩa rộng là những nguồn lợi, sản vật đem lại cho con người từ môi trường nước (nước mặn, nước ngọt, nước lợ). Hoạt động sản xuất thủy sản là việc tiến hành nuôi trồng, khai thác, vận chuyển thủy sản khai thác được; bảo quản, chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cho đến nay, tùy theo cách tiếp cận đã có một số quan niệm khác nhau về xuất khẩu thủy sản, song đều có điểm chung đó là: xuất khẩu thủy sản là quá trình mua bán, trao đổi giữa hai quốc gia khác nhau, hai vùng lãnh thổ khác nhau, hai chủ thể kinh tế ở hai quốc gia khác nhau.

Từ đó, tác giả luận án cho rằng: Xuất khẩu thủy sản là tổng hợp các hoạt động từ sản xuất tới tiêu thụ thủy sản nhằm cung cấp các sản phẩm thủy sản cho người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường nước ngoài.

Như vậy, chủ thể của hoạt động xuất khẩu thủy sản có thể là một quốc gia, một địa phương hay một doanh nghiệp. Sản phẩm xuất khẩu là thủy sản, sản phẩm đó có thể là sản phẩm tươi sống, là một dạng nguyên liệu cho chế biến, hay một sản phẩm thủy sản hoàn chỉnh. Quá trình tiêu thụ có thể là trực tiếp cho người tiêu dùng hay phải trải qua các khâu trung gian… Toàn bộ các vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu thủy sản của một quốc gia.

Xuất khẩu thủy sản bao gồm nhiều hoạt động sản xuất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau theo một chuỗi các khâu: khai thác, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Khi lực lượng sản xuất ở trình độ thấp, các hoạt động sản xuất thủy sản chưa có sự tách biệt giữa các khâu một cách rõ ràng, thậm chí còn lồng ghép vào nhau thì khối lượng sản phẩm thủy sản được sản xuất ra còn ít, chất lượng chưa cao và chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường nhỏ. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội đã làm cho các hoạt động sản xuất thủy sản được chuyên môn hóa ngày càng cao, các hoạt động của xuất khẩu thủy sản ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và hợp thành một thể thống nhất làm cho sản phẩm thủy sản tăng lên cả về số lượng và chất lượng.

Nguồn: Luận án tiến sĩ “Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường liên minh châu Âu (EU)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *